Đối với nhiều khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp, ngân hàng là địa chỉ đáng tin cậy để gửi gắm niềm tin cũng như cất giữ tiền - nguồn tài sản có giá trị của bản thân. Tuy nhiên, với hàng loạt các vụ việc liên quan đến tiền được cất giữ trong tài khoản ngân hàng bỗng nhiên biến mất thì chắc hẳn, việc coi ngân hàng là địa chỉ an toàn trong mắt nhiều người đã dần thay đổi.
Nhằm “trấn an” dư luận, củng cố niềm tin từ phía khách hàng, một số ngân hàng đã nhanh chóng đề ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng tiền của khách hàng “bốc hơi”. Trong đó, việc bảo mật thông tin của khách hàng được đề cao hơn bao giờ hết.
Theo số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đã phải hứng chịu 31.500 vụ tấn công mạng chỉ trong năm 2015. Cuối năm ngoái, một ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng đã suýt bị đánh cắp hơn 1 triệu USD bởi tin tặc quốc tế. Dù Liên minh Viễn thông quốc tế đánh giá Việt Nam đứng thứ 10 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về chỉ số an ninh mạng, nước ta hiện chỉ xếp trên Lào và Campuchia và đứng sau tất cả các quốc gia còn lại trong ASEAN.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán. Đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về an ninh mạng. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời nhằm tìm ra biện pháp phòng, tránh giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho chủ thẻ, đem lại sự an toàn và an tâm cho khách hàng khi giao dịch.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia bảo mật, đây mới chỉ là việc làm trên lý thuyết, việc triển khai thực hiện hành động còn mất nhiều thời gian và cần phải thực hiện nhanh, quyết liệt hơn, thậm chí phải cầm tay chỉ việc đối với các đơn vị cơ sở. Bởi trong thế giới phẳng hiện nay, công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, tội phạm thẻ ngày càng hoạt động rất tinh vi; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán trực tuyến như lập website, gửi đường link Phishing, giả danh ngân hàng chiếm đoạt tài khoản Intenet Banking và chuyển tiền diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dùng để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng với thủ đoạn cụ thể: Đặt mật khẩu đơn giản, dễ nhớ như “abc123 hay 123456”, theo ngày sinh, năm sinh, lập các website trúng thưởng gửi tin nhắn qua facebook, zalo, viber... thông báo cho chủ tài khoản đã trúng thưởng tài sản, hiện vật có giá trị để lừa đảo.
Vì vậy, khách hàng khi giao dịch cần cảnh giác, tránh để tội phạm triệt lợi dụng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để sớm phát hiện các lỗ hổng bảo mật, mã độc... có nguy cơ làm lộ lọt thông tin của người khách hàng.
Tuy nhiên, chiến lược an ninh mạng chỉ có thể đạt hiệu quả tối ưu khi cấp lãnh đạo cao nhất nhận ra được tầm quan trọng của điều này. Trong đó, người lãnh đạo phải thay đổi tư duy về an ninh mạng và tự đặt câu hỏi khi nào ngân hàng của họ sẽ bị tấn công. Họ phải hiểu rằng an ninh mạng không phải chỉ là nhiệm vụ của bộ phận công nghệ thông tin, mà là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp. Từ đó mới đưa ra được những chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn đến cấp dưới. Kế đến, cần mời một bên thứ ba độc lập kiểm tra mức độ an toàn bảo mật và giúp xây dựng chiến lược an ninh mạng chi tiết. Phải hiểu được hành vi của tin tặc, cách chúng thâm nhập sâu vào hệ thống và những thông tin nào chúng đang tìm kiếm.
Mỗi ngân hàng cũng nên thành lập sẵn nhóm phản ứng nhanh cho sự cố bảo mật, có thể lập tức xử lý các trường hợp tin tặc thâm nhập vào hệ thống. Phần lớn ngân hàng Việt Nam chưa thực hiện được điều này, mà nếu có thì cũng chưa chắc những nhóm này đã được rèn luyện đầy đủ và bài bản. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là yếu tố con người. Các ngân hàng cần liên tục tuyên truyền, hướng dẫn và rèn luyện nhân viên của mình cách nhận biết, phòng ngừa mối nguy trực tuyến và biết tự yêu cầu được bảo mật thông tin mỗi khi có thể.
Mong rằng với sự thay đổi và vào cuộc tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước về an toàn thông tin trong hệ thống mạng và các cơ quan chức năng, thời gian tới, khách hàng giao dịch được an toàn hơn, thông minh hơn.
VĂN PHONG