Chuyện doanh nghiệp Việt Nam giao hàng nhưng không nhận được tiền thanh toán, bị “quỵt nợ”, ép giá, lừa đảo xưa nay không phải là ít. Đã có những bài học trước đây về các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gỗ, nhôm, điều... nước ta không đủ kinh nghiệm để nhận diện được các yếu tố rủi ro trong các giao dịch thương mại quốc tế, không hội đủ các kiến thức về văn hóa, pháp luật của nước sở tại nên đã rơi vào “bẫy” của các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế, đứng trước nguy cơ phá sản, “tiền mất tật mang”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tình trạng này có thể sẽ gia tăng nếu doanh nghiệp nước ta không chủ động trang bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết trong giao dịch quốc tế. Bởi, rủi ro lớn nhất trong thương mại quốc tế mà Việt Nam thường vướng phải hiện nay theo các chuyên gia là rủi ro về tín dụng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quyết tâm “nâng tầm” mình lên cao hơn nữa trên các lĩnh vực: Kinh nghiệm giao dịch, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật, văn hóa; không học hỏi để đứng vững trước một sân chơi lớn, chắc chắn thiệt hại kinh tế xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, “nhẹ dạ cả tin” trong các giao dịch thương mại quốc tế sẽ không thể tránh được, nhất là khi các "công ty lừa" nước ngoài có chủ ý.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/TTXVN. 

Vì thế, để nhận diện được những yếu tố rủi ro và không mắc “bẫy” của các doanh nghiệp lừa đảo trong các giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam dứt khoát phải hiểu biết về thị trường, về văn hóa, luật pháp của quốc gia mà mình sẽ đến làm ăn. Tìm hiểu kỹ lưỡng về bạn hàng, đối tác trước khi ký kết các hợp đồng giao dịch là điều tối quan trọng. Việc thẩm tra qua các nguồn tin công khai, đánh giá, xếp hạng kinh doanh rủi ro tín dụng của các đối tác nước ngoài khi giao dịch làm ăn cũng hết sức cần thiết.

Một vấn đề khác cũng được cơ quan chức năng khuyến cáo là hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, nên các doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện những giao dịch thương mại quốc tế cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại). Nắm vững nguyên tắc, thông lệ quốc tế để hiểu đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong thanh toán, lựa chọn phương thức, điều kiện thanh toán hợp lý cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được các trường hợp bất lợi khi phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch cần cân nhắc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi…) để có thêm sự bảo đảm cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ trong quá trình làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, giúp doanh nghiệp Việt giảm thiệt hại khi rủi ro phát sinh. Việc sửa đổi quy định không phù hợp, tạo dựng khung pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi từ phía Nhà nước, cơ quan chức năng cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại khi phát sinh rủi ro, tranh chấp từ các giao dịch thương mại, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi bước vào sân chơi quốc tế.

HOÀNG GIA MINH