Với chuỗi các sự kiện văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra quanh năm, Huế được kỳ vọng trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Vui đấy, nhưng cũng không ít người băn khoăn nhiều lễ hội liệu có dàn trải, có nhàm chán và Huế có đủ sức khơi gợi, làm sống lại những mạch nguồn văn hóa như mong đợi?
Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Huế là một hiện tượng đặc biệt, là cố đô vẫn bảo lưu được gần như nguyên vẹn. Không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hàng nghìn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO. Sở hữu kho tàng di sản mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử như vậy, trải qua hơn 20 năm tổ chức festival, Huế vẫn cứ loay hoay trước những giá trị bị khuất lấp. Nếu nhìn một cách thẳng thắn, những mùa lễ hội lâu nay chẳng mấy ấn tượng, thậm chí có phần thất vọng. Nguyên nhân được chỉ ra là Festival Huế chưa thực sự có một sản phẩm đặc trưng. Mỗi kỳ festival cơ bản phụ thuộc vào những gì các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước tham dự mang tới, chưa có một sản phẩm đặc thù "chất" Huế.
    |
 |
Festival Huế 2022 sẽ diễn ra 4 mùa quanh năm. Ảnh: Laodong.vn |
Nếu như Đà Lạt có Festival hoa, Quảng Ninh lại có một Carnaval Hạ Long sôi động, không lẫn với bất cứ nơi đâu. Mỗi năm, họ chỉ có một mùa lễ hội nhưng đều khiến du khách muốn được tới. Nếu Festival Huế cũng có sản phẩm đặc trưng thì hấp dẫn biết mấy. Dù Festival Huế cũng có lễ hội áo dài, mặc thử trang phục hoàng cung... nhưng dường như chưa đủ tầm “xương sống” để kết nối di sản, phát huy vốn văn hóa mà Huế đang lưu giữ. Chẳng nơi đâu cuộc sống của người dân vẫn gắn với kinh thành, với di tích như ở Huế. Vậy sao không có hẳn một hoạt động ví dụ như ngược thời gian về quá khứ, để cả người dân và du khách được là chủ thể trong một không gian tái hiện cuộc sống kinh thành nhà Nguyễn hơn 200 năm trước, với đầy đủ sắc màu từ cung đình đến dân gian; rồi ẩm thực cầu kỳ, hoạt động văn hóa tinh thần từ bác học đến dân gian, truyền thống của xứ Thần Kinh... Tận dụng tối đa các thành tựu khoa học hiện đại để đưa hồn cốt lịch sử văn hóa vào sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người, từ nhu cầu nội địa lẫn phục vụ du khách, quà tặng, lễ nghi, khánh tiết. Có như vậy, Festival bốn mùa mới đón nhận sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng và du khách.
Trong xã hội hiện đại cho thấy, bản sắc văn hóa càng đặc trưng càng tạo nên sức hút của điểm đến. Câu chuyện phát huy giá trị di sản kinh đô-cố đô của Huế không chỉ là làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội mà cần làm sâu, làm bật tầm vóc một trung tâm văn hóa du lịch với nhiều thế mạnh đặc trưng. Thực tế này đòi hỏi cần có kế hoạch nghiên cứu, khai thác một cách toàn diện các tài nguyên văn hóa và cảnh quan, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị riêng có, phân bổ hợp lý quanh năm. Đặc biệt, làm nổi bật tính chính danh duy nhất tới tính khả thi trong quá trình thổi hồn di sản, viết nên những câu chuyện rất Huế trong mỗi sản phẩm, từng địa danh... để bốn mùa Huế thực sự là lễ hội, để nhắc đến Huế là du khách nhớ đến một thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á, như mục tiêu Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
THU HÀ