Theo đó, đến năm 2020, ngành du lịch sẽ có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Dự kiến mỗi năm Việt Nam đón 14-15 triệu du khách quốc tế, phấn đấu đạt doanh thu trên dưới 30 tỷ USD, đóng góp khoảng 10% GDP vào năm 2020. Tiêu chí của đề án đặt ra như vậy nhằm tiếp tục phát huy những tiềm năng thế mạnh của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung. Song để thực hiện thành công những tiêu chí ấy cần phải có lộ trình và cách làm phù hợp.
Du khách nước ngoài tham quan khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Hà
Từ thực tiễn của ngành công nghiệp không khói hiện nay, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch một cách quyết liệt, đồng bộ. Sở dĩ như vậy là do sự đòi hỏi về chất lượng cuộc sống con người ngày càng cao, các loại hình dịch vụ phục vụ con người cũng như chất lượng dịch vụ du lịch đòi hỏi ở mức tương ứng. Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, sự đầu tư mạnh mẽ đó còn chưa có tính đồng bộ, thiếu tính quy hoạch cơ bản, bảo đảm tính lâu dài; phần lớn ở các địa phương chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, rời rạc, manh mún; thiếu sự liên kết ngành, liên kết vùng và liên kết địa phương, sản phẩm du lịch vì thế đơn điệu, thiếu đa dạng. Bên cạnh đó, nạn chèo kéo, bán hàng rong, “chặt chém” du khách còn khá phổ biến, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu du lịch chưa được bảo đảm... đã khiến chất lượng du lịch ở mức dưới trung bình. Trông người mà nghĩ đến ta, không ở đâu xa, Thái Lan với quan điểm lấy chất lượng du lịch là chất lượng môi trường sống, lòng mến khách và nụ cười thân thiện. Chất lượng du lịch là quảng bá hiệu quả theo cơ chế thị trường vì một nền văn hóa tiên tiến... Với quan điểm này, ngành du lịch Thái Lan đã phát động mọi người dân làm du lịch với khẩu hiệu: “Hãy luôn kiến tạo những nụ cười thân thiện”. Và chính từ những nụ cười thân thiện này, đất nước Thái Lan đã trở thành một cường quốc du lịch đáng nể ở Đông Nam Á.
Để khắc phục tình trạng tiềm năng du lịch thì nhiều, trong khi sự phát triển không đồng đều, nếu không muốn nói là chậm phát triển, ngành du lịch cần có những giải pháp phù hợp. Nên chăng, đối với các địa phương kém phát triển cần đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng cơ sở, chủ động sáng tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường thanh bình, hiếu khách... Đối với các địa phương du lịch đã phát triển, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về giá cả, nguồn nhân lực; bảo đảm tốt tình hình an ninh, chính trị, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...
Suy cho cùng, chất lượng du lịch chính là chất lượng cuộc sống, chất lượng văn hóa. Để du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương cần chủ động tăng cường chất lượng du lịch trên cơ sở phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như tiếp thu bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới.
PHAN TIẾN DŨNG