Kết luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”.

Trước đó, chỉ đạo này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thông điệp “Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển” được lãnh đạo Chính phủ nhắc tới và nhấn mạnh cho thấy quyết tâm, sự ưu tiên của Chính phủ trong việc đồng hành cùng Quốc hội và các cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật kiến tạo, phục vụ phát triển.

Thể chế, pháp luật là yếu tố quan trọng hàng đầu, là điều kiện cần để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước kiến tạo, phục vụ phát triển. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn 

Thể chế, pháp luật là yếu tố quan trọng hàng đầu, là điều kiện cần để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Nhà nước kiến tạo, phục vụ phát triển.

Thực tế, thời gian qua, công tác đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có không ít cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi, có lúc còn xem nhẹ công tác này. Có cơ quan khi được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý thì gần như khoán trắng cho bộ phận pháp chế, thậm chí chỉ giao cho một vài cán bộ, chuyên viên pháp chế của cơ quan thực hiện.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, thù lao đãi ngộ cũng chưa tương xứng với tầm quan trọng, công sức của bộ phận pháp chế và đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế. Lĩnh vực pháp chế ở rất nhiều cơ quan, vì thế luôn bị coi là “khô, khó, khổ”.

Dù không muốn cũng phải thừa nhận, chính sự thiếu quan tâm, thiếu đầu tư ấy đã tác động không tốt tới chất lượng, tiến độ công việc trong công tác pháp chế nói chung và công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói riêng.

Bởi vậy, thông điệp nêu trên của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ nhiệm kỳ này là tín hiệu vui không chỉ với người làm công tác pháp chế ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà còn với toàn xã hội. Khi được coi là đầu tư cho phát triển, việc đầu tư cho công tác xây dựng thể chế sẽ được ưu tiên hơn về mọi phương diện.

Được như thế, chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và cũng thuận lợi hơn cho cả các cơ quan quản lý, thực thi, bảo vệ pháp luật. Một hệ thống thể chế tốt được áp dụng, thực thi tốt sẽ giúp kinh tế-xã hội phát triển tốt.

Thông điệp đã được lãnh đạo Chính phủ nêu và nhấn mạnh rất rõ. Hy vọng và tin rằng, các thành viên Chính phủ là lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cùng lãnh đạo các địa phương sẽ luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc, dành sự ưu tiên cao nhất cho công tác pháp chế của cơ quan, của ngành.

Quy định về định mức chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Có những văn bản đòi hỏi phải đầu tư dài về thời gian, lớn về công sức và chất xám, nhưng định mức chi chỉ vài trăm nghìn đồng thì thật khó bảo đảm chất lượng cao và cũng thật khó giữ chân cán bộ giỏi, tâm huyết với công tác pháp chế...

CHIẾN THẮNG