Malaysia được biết đến là quốc gia có nền y tế tốt nhất thế giới. Tại đây, du lịch y tế của là một trong những ngành công nghiệp phát triển. Theo thống kê từ MHTC, năm 2016, có gần 10.000 người Việt đến Malaysia (tăng 86% so với năm 2015) và chi khoảng 2,43 triệu USD để thực hiện mục đích trên. Trong đó, khoảng 50% người bệnh đến các cơ sở y tế của nước này để điều trị bệnh ung thư và các bệnh lý tim mạch. Cũng theo MHTC, tới đây họ sẽ liên kết với đối tác để mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phục vụ người dân Việt Nam tiện ích, chuyên nghiệp hơn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Toptentravel.com.vn 
Trong nhiều năm gần đây, khi mà môi trường tự nhiên ngày càng ô nhiễm, khi “bão” thực phẩm bẩn len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm cuộc sống, nhưng chưa có biện pháp loại trừ khả thi thì số lượng người bị bệnh cũng tăng nhanh. Bất chấp sự nỗ lực của ngành y tế, tình trạng quá tải trong khám, điều trị tại các bệnh viện lớn ngày càng nhiều hơn. Đã có nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận nên liên kết, tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở y tế khám, điều trị. Nhưng đa phần các cơ sở này tọa lạc ở các thành phố lớn, khu vực đông dân cư và có chất lượng phục vụ cũng chưa cao. Do vậy, việc những người dân có điều kiện kinh tế tìm đến dịch vụ y tế hoàn hảo hơn, cho dù có phải tới các nước khác và bỏ ra kinh phí lớn thì cũng là điều dễ hiểu.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch và trình độ y khoa của Việt Nam cũng được đánh giá là tương đối phát triển. Hiện đã có nhà đầu tư lớn gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khỏe và vật lý trị liệu, nhưng không nhiều lắm. Đánh giá tổng thể, hiện hai lĩnh vực này chưa có sự gắn kết thành chuỗi “sản phẩm” phục vụ người dân giống mô hình hết sức quy củ, chuyên nghiệp như ở Malaysia.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khám, chữa bệnh tại các khu du lịch nghỉ dưỡng phù hợp với cảnh quan môi trường và có hệ thống chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Trong đó, mẫu chốt là cần nghiên cứu đưa ra lộ trình và chế tài khả thi, quản lý việc hành nghề y tại các cơ sở du lịch hiệu quả, tránh những vướng mắc, bất cập. Chính phủ cũng cần chỉ đạo tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y, dược theo hướng giỏi y thuật, dược lý và có phẩm chất đạo đức tốt.  Bên cạnh những giải pháp có tính lâu dài, thiết nghĩ, trước mắt cần phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp điều trị Đông y và các loại dược liệu sẵn có ở Việt Nam để tạo đà, mở đường cho một mô hình phát triển kinh tế mới.   

Để chi phí khám, chữa bệnh của người dân không “chạy” ra nước ngoài, để du lịch và y tế không là tiềm năng bỏ ngỏ, rõ ràng là cần phải có nhận thức, tầm nhìn chiến lược, xây dựng lộ trình phát triển mô hình này hợp lý, lâu dài.

VĂN PHONG