Năm 2021, tỉnh thí điểm đối với giám đốc 6 sở và bí thư, chủ tịch UBND tất cả các huyện, thành phố. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, kết quả thu được rất khả quan: Tinh thần trách nhiệm của cán bộ được nâng lên rõ rệt, nhiều vụ việc phức tạp tồn tại đã lâu, nhiều việc khó được giải quyết dứt điểm, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ hoàn thành vượt kế hoạch được giao...

Để việc thí điểm đánh giá cán bộ bằng sản phẩm mang lại kết quả bước đầu tích cực như trên, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai theo một quy trình chặt chẽ. Trước hết, cán bộ trong diện thí điểm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn để đăng ký chỉ tiêu nhiệm vụ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, điều chỉnh, bổ sung và chính thức giao nhiệm vụ cho cán bộ.

Đoàn công tác Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tháng 9-2021. Ảnh: TTXVN. 

Định kỳ hằng tháng, hằng quý, cán bộ phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm, tỉnh thành lập hội đồng để đánh giá, chấm điểm từng cán bộ. Do mỗi ngành, mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau nên việc nhận xét, đánh giá, chấm điểm được triển khai thận trọng, khoa học theo hướng xây dựng thang điểm cho từng vị trí, gắn với đặc thù từng ngành, từng địa phương, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích và có điểm thưởng cho sự đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm là vấn đề còn mới, khó, nhưng đây là một trong những việc làm quan trọng, cần thiết nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Bởi kết quả, chất lượng công việc chính là thước đo chính xác nhất năng lực cán bộ. Căn cứ vào sản phẩm công việc để đánh giá sẽ bảo đảm tính "định lượng", khách quan, tránh những biểu hiện chủ quan, cảm tính trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá chính xác mới có thể bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, động viên, khuyến khích cán bộ có tài tiếp tục cống hiến, phát triển.

Cách làm và những kết quả trong thí điểm đánh giá cán bộ bằng sản phẩm ở tỉnh Vĩnh Phúc rất cần được tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng, hướng tới việc đánh giá bằng sản phẩm không chỉ dừng lại ở người đứng đầu, mà mọi cán bộ, công chức trong bộ máy, theo chức trách, nhiệm vụ được giao, đều phải được đánh giá thông qua kết quả, chất lượng, sản phẩm công việc cụ thể.

Đánh giá cán bộ là một khâu có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ và việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm là xu hướng tất yếu khách quan. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm mang lại hiệu quả, điểm mấu chốt là phải giao đúng, trúng nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh hai khuynh hướng: Cán bộ đăng ký việc dễ, bỏ việc khó hoặc giao nhiệm vụ vượt quá khả năng,“bất khả thi”. Cùng với đó, việc đánh giá kết quả phải thực hiện chính xác, thực chất, nằm trong một tổng thể thống nhất, dài hạn nhằm loại bỏ tình trạng cán bộ có tư duy nhiệm kỳ, chỉ lo thành tích, được việc mình trước mắt nhưng hại cho tập thể, địa phương về lâu dài.

PHƯƠNG HIỀN