Cũng từ các con số thống kê cho thấy, càng về những ngày cuối năm thì mật độ các vụ cháy, nổ càng dày, sự thiệt hại cũng vì thế mà ngày càng lớn. Tính chung trong cả nước, năm 2016 xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm chết gần 100 người, bị thương 180 người, trực tiếp gây thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất lên tới hàng nghìn tỷ đồng và phải mất thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa để khắc phục hậu quả do các vụ cháy nổ gây ra. Thế nên việc phòng cháy là việc phải làm thường xuyên, liên tục, càng về cuối năm thì càng phải nâng cao cảnh giác với các vụ cháy nổ.
Diễn tập phòng chống cháy nổ ở chợ Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nguồn: baodanang.vn.
Ai cũng biết rằng, đã xảy ra cháy nổ là sẽ có thiệt hại. Thế nhưng, có một câu hỏi là tại sao những vụ cháy nổ vẫn xảy ra khá thường xuyên, trong đó có nhiều vụ cháy nghiêm trọng, với những nguyên nhân khá giống nhau và đã được cảnh báo trước. Các chuyên gia đã vạch rõ những nguyên nhân trong buổi tổng kết về công tác phòng cháy, chữa cháy do Chính phủ tổ chức cuối năm 2016 và khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra cháy nổ là do tính chủ quan của con người. Vì thế, việc phòng ngừa cháy nổ chủ yếu phải tập trung vào việc nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ từ mỗi người. Hiện nay, công tác tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ tuy đã được đẩy mạnh, nhưng còn thiếu tính hệ thống, thiếu cụ thể, nên hiệu quả chưa cao. Những nội dung tuyên truyền chưa thấm vào được người dân, nên chưa tạo ra ý thức tự giác trong việc tự phòng ngừa cháy nổ từ trong nhân dân.
Từ thuở xa xưa, hiện tượng cháy đã bị coi như một thứ giặc, vì thế việc phòng ngừa cháy nổ luôn được nhắc nhở tới từng nhà, thông qua đội ngũ tuần đinh dạo qua các ngõ xóm mỗi tối. Ngày nay, phương tiện truyền thông khá thuận lợi, nhưng có lẽ vẫn phải xem lại biện pháp tuyên truyền, sao cho vừa cụ thể, vừa thường xuyên, liên tục, bảo đảm cho các biện pháp phòng ngừa cháy nổ phải trở thành việc làm thường thức trong nhân dân.
Bên cạnh việc làm trên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Lâu nay chúng ta làm việc này chưa nghiêm, thậm chí nhiều nơi còn kiểm tra lấy lệ, nên nhiều cơ sở sau khi xảy ra cháy nổ, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì mới phát hiện ra những sơ hở, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Năm 2017 cần phải chấn chỉnh lại việc làm này, nhất là đối với các lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho công tác kiểm tra đi vào thực chất.
Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã cận kề, đây cũng là thời điểm trong nhân dân sử dụng nhiều củi lửa, hương đèn... do đó việc phòng, chống cháy nổ càng phải tăng cường. Lực lượng chức năng cần có đợt tổng rà soát các khu vực “nhạy cảm” về cháy nổ như: Các trung tâm thương mại, các khu chợ lớn, nhỏ, các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, các chung cư cao tầng... để kịp thời phát hiện, xử lý ngay những bất cập về phòng ngừa cháy nổ. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và lực lượng tại chỗ cũng cần rà soát các kế hoạch trực, kế hoạch cơ động, để khi có tình huống cháy nổ thì có thể tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý một cách hiệu quả nhất.
Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ của toàn dân, và trong phòng cháy, chữa cháy thì phải luôn xác định lấy phòng làm chính. Vì thế muốn không xảy ra cháy nổ, muốn những ngày xuân thêm phần vui vẻ thì mỗi người dân cần phải coi việc phòng cháy, chữa cháy là việc cấp thiết của chính mình và gia đình mình.
TRẦN VŨ