Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do đơn hàng-chủ yếu từ đối tác nước ngoài sụt giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên đến nay đã có hơn 472.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó 91,2% bị giảm giờ làm, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; 8,8% bị mất việc làm. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí...
 |
Các doanh nghiệp luôn quan tâm chăm lo sức khỏe người lao động. Ảnh: baodautu.vn |
Trước tình hình đơn hàng giảm, việc làm thiếu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí sản xuất một cách phù hợp, như: Chỉ làm giờ hành chính, làm việc luân phiên, cách nhật... đồng thời có các chế độ lương, trợ cấp theo quy định nhằm động viên và duy trì việc làm đồng đều cho công nhân, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng, sa thải lao động, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề. Tổ chức công đoàn các cấp cũng đã thường xuyên bám nắm tình hình thực tiễn, đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp để xây dựng phương án sử dụng lao động khoa học, hợp lý; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (lương, thưởng Tết, bảo hiểm xã hội, trợ cấp...), đặc biệt là với các trường hợp mất việc làm. Cùng với đó, phần lớn người lao động luôn nêu cao ý thức chấp hành tốt pháp luật, nội quy, quy định, thiết thực chia sẻ khó khăn với công ty, doanh nghiệp nơi mình gắn bó.
Người lao động ở một số ngành nghề, công ty thiếu việc làm nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp đơn hàng dồi dào, vẫn đang liên tục tuyển dụng nhân sự. Đặc biệt, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động thời vụ tăng cao, có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm phù hợp. Bởi vậy, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để giải quyết việc làm cho người lao động...
Đó là những hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay!
Đây không phải lần đầu tiên hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp khó. Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp lao đao, khốn khó trăm bề, thế nhưng nhờ tinh thần nỗ lực, đoàn kết, sẻ chia, nhất là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, nền kinh tế đã từng bước phục hồi, phát triển. “Hết mưa trời lại sáng”, tình hình lao động, việc làm khó khăn hiện nay sẽ từng bước được cải thiện, chấm dứt trong thời gian tới. Tuy nhiên, lúc này, để giúp doanh nghiệp trụ vững, giữ chân người lao động, tránh tình trạng khi đơn hàng dồi dào lại vất vả tuyển dụng thì điều quan trọng là cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ thiết thực, hiệu quả. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6-12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ, có biện pháp khắc phục, cơ cấu lại thị trường lao động phù hợp, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, đồng thời xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là vào dịp Tết...
PHƯƠNG HIỀN