Theo dõi trong toàn quân, hầu hết các chiến sĩ mới đều yên tâm học tập, công tác và từng bước hòa nhập với môi trường mới-môi trường quân đội. Để có được kết quả ấy là do có sự nỗ lực của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong việc chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ cuộc sống sinh hoạt, học tập của các chiến sĩ mới.

Theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và các Tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật..., các chế độ, tiêu chuẩn của chiến sĩ mới đều được bảo đảm đầy đủ ngay sau khi đơn vị ổn định về tổ chức, biên chế. So với những năm trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội hiện nay đã được cải thiện thêm một bước. Từ chỗ ở đến bữa ăn, từ việc đọc sách báo, xem phim ảnh đến các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan giáo dục truyền thống... đều được các đơn vị tổ chức chu đáo, đầy đủ, góp phần làm cho đời sống của bộ đội thêm phong phú. Điều quan trọng là hầu hết các đơn vị đều xây dựng và duy trì tốt tình đoàn kết, hòa đồng giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị, tổ chức các đoàn lên đơn vị thăm, động viên chiến sĩ mới. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức viết thư gửi về gia đình, thông báo tình hình học tập, công tác của con em họ. Những hoạt động của đơn vị, địa phương như những sợi dây liên kết giữa các chiến sĩ với hậu phương, giúp họ luôn ổn định tư tưởng, xác định rõ mục tiêu, không ngừng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Hướng dẫn chiến sĩ mới luyện tập đội ngũ. Ảnh: qdnd.vn 

Tuy nhiên cũng cần phải hiểu rằng, những tháng đầu trong quân ngũ là quãng thời gian khó khăn nhất của các chiến sĩ mới. Tư tưởng dao động hay vững vàng, nhiệm vụ có hiểu rõ hay không, đều xuất phát từ giai đoạn này. Vì thế, để cho các chiến sĩ mới thực sự yên tâm học tập, công tác và yêu mến đơn vị thì đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ từ đại đội trở xuống càng phải sâu sát, nắm chắc tâm lý của bộ đội, kịp thời hỗ trợ, giải đáp những khúc mắc trong tư tưởng, cuộc sống của bộ đội. Xử lý vấn đề này phải với tinh thần coi các chiến sĩ mới như người thân của mình, để từ đó gần gũi, giúp đỡ như người anh giúp đỡ người em. Vẫn biết rằng, nội dung trong tiến trình biểu huấn luyện chiến sĩ mới là khá dày, hoạt động huấn luyện khá căng thẳng, thế nên, càng cần hạn chế tác phong chỉ huy kiểu mệnh lệnh hành chính. Việc động viên bộ đội để họ từng bước tiếp nhận các kiến thức trong môi trường mới, chuyển dần từ ý thức tự phát sang tự giác là rất cần thiết. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp chỉ huy, hướng dẫn của các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng-những người hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, công tác với bộ đội. Mặt khác, cần kết hợp chặt chẽ với gia đình các chiến sĩ, thường xuyên động viên, thông tin tình hình ở hậu phương, để bộ đội nhận thấy, mặc dù trong môi trường quân ngũ, nhưng họ không bị tách rời, biệt lập với đời sống gia đình, xã hội. Một vấn đề quan trọng nữa đó là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp chỉ huy, quản lý bộ đội, nhất là vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ, để bộ đội hòa mình vào tập thể, không ngừng khám phá những lĩnh vực mới, kiến thức mới trong quân ngũ.

Giúp bộ đội vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc đời quân ngũ là rất quan trọng, nó là sự khởi đầu để chúng ta rèn luyện nên một đội quân vững vàng về tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Hiểu thế để từng cán bộ, cả ở đơn vị và địa phương cùng phải chung sức, chung lòng chăm lo cho chiến sĩ.

TRẦN VŨ