Tuy nhiên, việc cùng lúc có nhiều ứng dụng đang hoạt động đặt ra yêu cầu cần sự thống nhất, đồng bộ trên nền tảng số hóa và tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc tận dụng ưu thế của công nghệ trong cuộc chiến với đại dịch.
Lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ công tác PCD Covid-19, đáp ứng yêu cầu về thông tin, dữ liệu. Yêu cầu này xuất phát từ thực tế là nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin cho PCD đang được triển khai nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ, chưa tạo thuận lợi cho người dùng. Không ít người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau cho cùng một mục đích là khai báo, cập nhật thông tin. Chưa kể, còn có những lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng như không truy cập được, không có dữ liệu, quá tải hệ thống...
 |
Lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, có tên gọi là Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Ảnh: TTXVN |
Thuận tiện cho người dân và phục vụ thiết thực công tác PCD là yêu cầu hàng đầu đối với các giải pháp về công nghệ. Bên cạnh đó, dựa vào dữ liệu sẵn có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lưu trú, có thể bổ sung, cập nhật thông tin liên quan đến dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý, truy vết, vừa giúp người dân tránh phải khai báo thông tin nhiều lần, tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót.
Dịch covid-19 đã ảnh hưởng đến các mặt của đời sống xã hội, đặt ra không ít thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đặt nền móng để hình thành xã hội số. Việc cấp các giấy tờ thủ công như: Giấy đi đường, chứng nhận kết quả xét nghiệm, xác nhận tiêm vaccine... đều bộc lộ không ít hạn chế, bất tiện. Một số chốt kiểm soát dịch bệnh đã chứng kiến cảnh ùn tắc kéo dài do phải kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông. Những vấn đề này có thể khắc phục được nhờ vào ứng dụng công nghệ. Khi người dân được cấp một mã số hay QR Code hoặc dùng chính số định danh cá nhân, truy cập vào ứng dụng, tất cả những thông tin cần thiết về nhân thân, hoạt động, y tế đều có sẵn trên hệ thống. Cơ quan quản lý, cơ quan y tế và các lực lượng chức năng căn cứ vào đó để phục vụ cho công tác của mình, không những bảo đảm chặt chẽ, chính xác mà còn tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người.
Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh việc chủ động khai thác hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều lĩnh vực ở nước ta đã đạt những bước tiến đột phá nhờ "đi tắt, đón đầu" về công nghệ. Với nền tảng sẵn có, bàn tay, trí tuệ của người Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển những ứng dụng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công tác PCD. Đây cũng là điều kiện để chúng ta tăng tính chủ động, kịp thời điều chỉnh và không ngừng hoàn thiện các giải pháp phòng dịch, bảo đảm phù hợp với diễn biến, yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh công nghệ tiên tiến, người dân, với tư cách là chủ thể sử dụng cũng cần có sự thích ứng, thay đổi thói quen để tiếp nhận cái mới. Dần loại bỏ tâm lý e ngại, giúp người dân tiếp cận và thấy được lợi ích thiết thực của công nghệ trong triển khai hiệu quả các giải pháp PCD nói riêng, công tác quản lý xã hội nói chung; đồng thời góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
ĐỖ MẠNH HƯNG