Ai đã từng phải đưa người nhà vào bệnh viện khám, chữa bệnh đều mang tâm trạng phân vân, lo lắng khi không biết nên đưa người thân vào khám, điều trị ở bệnh viện nào, cơ sở y tế nào là tốt nhất, phù hợp với bệnh tình, hoàn cảnh, túi tiền của mình nhất. Thực tế, không phải ai cũng biết rõ về chất lượng của từng bệnh viện. Ví như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ khám, chữa bệnh;  phương pháp điều trị, chăm sóc; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ; các dịch vụ đi kèm... Vì vậy, khi Bộ Y tế quyết định công khai phân loại, đánh giá chất lượng của 200 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối, bệnh viện hạng I và tương đương theo các mức quy định từ 1 đến 5 (tương ứng các mức từ kém đến rất tốt); trong đó mức thang điểm 4 là tốt; mức thang điểm 5 là rất tốt tính theo tiêu chuẩn của JCI (Joint Commission International), một chứng nhận chất lượng y tế của Mỹ có uy tín nhất trên thế giới… đã khiến nhiều người mừng thầm. Bởi từ nay họ có điều kiện để lựa chọn các cơ sở y tế mình đến khám, chữa bệnh; không phải lo chọn “nhầm” cơ sở không được như mong muốn, vừa tốn tiền, mất thời gian, lại không được như kỳ vọng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/ TTXVN 

Thay đổi tác phong phục vụ thông qua bảng tiêu chí đánh giá, xếp loại, lấy người bệnh là "trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc" của ngành y tế được coi là “cú huých” cần thiết trong môi trường hành chính còn nhiều bất cập hiện nay. Nhưng để người dân thực sự hài lòng, thực sự thấy mình là “trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc” thì ngay trước mắt, cung cách phục vụ, tác phong, văn hóa ứng xử của đội ngũ y sĩ, bác sĩ các bệnh viện đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải thay đổi. Quy trình khám, chữa bệnh cũng phải bảo đảm thời gian, chất lượng, khiến người dân phải thật sự hài lòng ngay từ khi bước vào cổng bệnh viện. Họ được đón tiếp, hướng dẫn, giúp đỡ, chăm sóc chu đáo, tận tình, không phải "dài cổ" ngồi chờ kết quả. Và cũng bởi ở đó, họ không còn phải nghe thấy những lời cáu gắt, sỗ sàng, chói tai như trước đây. 

Công khai chỉ là tiền đề, là bước đầu, nhưng công khai để tạo sự thay đổi, chuyển biến, đạt mục tiêu đề ra như mong muốn thì đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế, các bệnh viện phải không ngừng đổi mới để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các nhà lãnh đạo, quản lý ngành y tế, lãnh đạo bệnh viện các cấp và đội ngũ y sĩ, bác sĩ cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về các quyền và nghĩa vụ trong quá trình khám, chữa bệnh cho người bệnh. Các bệnh viện cũng nên phối hợp với những công ty chuyên đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử để nhân viên y tế được học hỏi, biết ứng xử như thế nào là phù hợp nhất, văn hóa, thân thiện nhất với người bệnh. Cùng với tạo các điều kiện về điều trị, chăm sóc, các bệnh viện cũng cần đầu tư trang thiết bị, hợp tác hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực y tế. Xây dựng, ban hành các công cụ đánh giá chất lượng về chuyên môn, về năng lực của đội ngũ nhân viên y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, kỹ thuật viên. Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh, triển khai các dịch vụ tiện ích như: Đặt lịch khám với bác sĩ qua điện thoại, internet, tin nhắn để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh... Chỉ khi công tác khám, chữa bệnh thật sự vì người bệnh, chất lượng phục vụ khi đó mới được nâng lên, người bệnh mới thật sự hài lòng.

HOÀNG GIA MINH