“Ngoan” ở đây là ngoan ngoãn hàm nghĩa biết trên biết dưới, biết vâng lời, dễ sai bảo. Sau từ “ngoan” mới đến chữ “được việc", cao hơn là “tốt đấy”, “có khả năng”… Vẫn là những đánh giá kiểu người trên với người dưới. Tâm lý tôn ti trật tự, gia trưởng, đề cao kinh nghiệm của xã hội phong kiến còn hằn sâu trong quan niệm và lề lối ứng xử trong xã hội chúng ta hôm nay. Nhưng điều đó đã có nhiều thay đổi cùng quá trình dài lâu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
 |
Ảnh minh họa: Vov.vn |
Nhận thức rõ về vai trò của tuổi trẻ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng thành công hết lớp người trẻ này đến lớp khác. Trước những thách thức mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cho lớp cán bộ, công chức trẻ đã liên tục được thực hiện như một chính sách xuyên suốt, nhất quán và không ngừng đổi mới. Phải có những “công bộc của dân” đích thực, trong đó có những công bộc trẻ thì bộ máy công quyền mới trở nên có hiệu lực, hiệu quả, giàu sức sống. Chữ “ngoan” phải được hiểu đúng là “người ngoan” như các cụ ta xưa nhắn nhủ trong câu quan họ “Em vẫn chờ là chờ người ngoan”. Hay theo ngôn ngữ đánh giá cán bộ chính là sự tận tụy, năng động và sáng tạo.
Tận tụy là phẩm chất đầu tiên của người cán bộ, công chức. Không trọn vẹn trách nhiệm trước công việc phục vụ nhân dân, không gương mẫu trong đạo đức, lối sống, phong cách không thể gần dân, lắng nghe, thấu hiểu và vận động, thuyết phục người dân. Đương nhiên, người trẻ không tự nhiên, không dễ dàng có được những phẩm chất “công bộc”. “Gian nan rèn luyện mới thành công”, Bác Hồ đã răn dạy thế. Những người trẻ phải có ý thức phấn đấu học hỏi vươn lên và tập thể cơ quan, đơn vị phải coi việc chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ như một nhiệm vụ thường xuyên.
Lẽ thường người trẻ mới vào làm cần có ý thức học hỏi, sẵn sàng đảm nhiệm những công việc thông thường và tôn trọng những người đi trước. Ngược lại người đi trước luôn quan tâm, hướng dẫn người mới, kể cả “cầm tay chỉ việc”, sửa cả từ hành vi, lời nói và rất cần sự góp ý, phê bình chân thành… Tuy nhiên không nên quá xét nét, định kiến… Như trên đã đề cập, nếu lề lối đề cao kinh nghiệm, nếu chỉ thích người trẻ ngoan ngoãn vâng lời thì sẽ biến cán bộ công chức trẻ trở nên thụ động, yếm thế. Đã có quá nhiều kinh nghiệm hay trong dìu dắt, bồi dưỡng người trẻ, trong đó có việc mạnh dạn giao việc, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ và phương pháp thực hiện nhiệm vụ làm thước đo sự tiến bộ của mỗi con người. Tin vào lớp trẻ là tâm thế để mỗi tập thể dìu dắt họ thành công.
Thực tế cán bộ, công chức trẻ luôn có những lợi thế nhất định trong mỗi cơ quan, đơn vị. Được đào tạo cơ bản và cập nhật những tri thức mới về nghề nghiệp, công việc, họ dễ nhìn nhận được sự vênh lệch, bất hợp lý trong hệ thống và phương pháp tiến hành, có khả năng nắm bắt và thực hiện những cái mới. Nếu biết phát huy những điểm mạnh này, nếu tạo lập được môi trường làm việc, trách nhiệm rõ ràng, tận tâm tận lực, mỗi tập thể sẽ thực sự được tiếp nguồn sinh lực mới với nhiều ý tưởng, cách làm mới năng động, hiệu quả.
Trong bộ máy công quyền, người cán bộ, công chức dù còn trẻ nhưng cũng thường xuyên được tiếp xúc với nhân dân, va đập với những tình huống nhiều khi rắc rối, phức tạp của cuộc sống. Đó là lúc cần đến một thái độ bình tĩnh và kinh nghiệm của cấp trên và những người đi trước. Có ý thức rèn luyện và cầu tiến, chính qua mỗi lần xử lý, giải quyết sẽ là mỗi bài học của thực tế trường đời để người trẻ tự tin bước tới trong hành trình trở thành người công bộc của nhân dân. Những bước tiến mạnh mẽ của đất nước trong cải cách hành chính, áp dụng công nghệ mới, thông minh trong quản lý xã hội rất cần trí tuệ và công sức của những công bộc trẻ.
NGUYỄN ANH