Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc đánh giá đúng cán bộ vẫn là khâu khó nhất, yếu nhất trong công tác cán bộ; cùng với đó là việc thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác…
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã chỉ đạo: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá để triển khai trong năm 2017, bởi nếu làm tốt công tác này sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Cũng tại hội nghị trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, một trong những khâu yếu, việc khó mà Đảng bộ tỉnh Quảng Trị chọn làm điểm đột phá, là đánh giá cán bộ, với việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đối với các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá. Bộ tiêu chí là căn cứ để đánh giá, chấm điểm và phân loại cán bộ, nhất là coi trọng đánh giá theo hướng tăng định lượng, giảm định tính. Theo đó, ngoài những tiêu chí chung đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, như kết quả rèn luyện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật…, bộ tiêu chí quy định cụ thể những yêu cầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với từng chức danh cụ thể, gắn với lĩnh vực cán bộ được phân công đảm nhiệm và kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc áp dụng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ và thực hiện phân cấp quản lý cán bộ ở Quảng Trị, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã mang lại hiệu quả và chuyển biến tích cực. Việc đánh giá cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thực chất hơn; không còn tình trạng nể nang, “cào bằng” với “100% cán bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ”; thay vào đó, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Đổi mới công tác cán bộ đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết, trong đó giải pháp quan trọng để đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ là xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ bằng việc lượng hóa, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, thiết thực, phù hợp với từng chức danh; khắc phục tình trạng cảm tính, xuê xoa, hoặc nắm không chắc cán bộ, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, nên đánh giá, phân loại cán bộ thiếu công tâm, công khai, minh bạch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đó cũng là hai tiêu chuẩn chung cơ bản đối với đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, để đánh giá đúng cán bộ, thì đối với từng chức danh, trong từng loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị…, cần cụ thể hóa hai tiêu chuẩn trên cho phù hợp, sát thực tế. Các tiêu chí phải được lượng hóa, có thể “đo, đếm” được, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, nhất là gắn với chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả công việc, được định lượng bằng chấm điểm thông qua phiếu đánh giá.
Đánh giá cán bộ khách quan, công tâm thông qua việc lượng hóa, cụ thể hóa các tiêu chuẩn là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ; tôn vinh, khen thưởng những cán bộ gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…”, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.
ANH QUÂN