Cách đây hàng chục năm, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và vấn đề an ninh nông thôn đã được xác định khá cụ thể trong Chỉ thị 92-CT/TW ngày 25-6-1980 của Bộ Chính trị. Vấn đề nêu trên tiếp tục được chỉ đạo chặt chẽ, triển khai toàn diện từ Trung ương tới cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 90-CT/TW ngày 1-12-2011 (gọi tắt là Chỉ thị 90). Hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 90 về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cho thấy: Từ chỉ thị trên, nhiều mô hình về bảo đảm an ninh nông thôn đã ra đời, tạo ra những hiệu quả/hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình như: “Họ tộc tự quản về an ninh trật tự”, “Thôn 3 an toàn về an ninh trật tự” ở Bình Thuận và Phú Thọ; “Cụm liên kết an toàn về an ninh trật tự” ở Quảng Ninh và Quảng Bình; “Thôn xóm bình yên”, “Xứ họ đạo không có ma túy” ở Giáo phận Bùi Chu (Nam Định)...
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, với sự biến chuyển nhanh chóng, không ngừng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh nông thôn đã nảy sinh những phức tạp mới. Ở phạm vi hẹp như: Mối quan hệ giữa các gia đình, dòng họ; quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình với nhau; quan hệ giữa các tổ chức với cá nhân v.v... xưa nay vốn có tính truyền thống, cố kết, thì nay chịu sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều chỗ trở nên lỏng lẻo, hoặc phát sinh mâu thuẫn. Ở phạm vi rộng như: Vấn đề tôn giáo, sắc tộc, lợi ích cục bộ... vừa chịu sự tác động của xã hội, vừa bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, nên đã hình thành các hoạt động tự phát, tạo ra những “điểm nóng” về an ninh trật tự ở các địa phương. Hiện tượng một số giáo dân thuộc Giáo phận Vinh lợi dụng sự cố môi trường biển tổ chức các cuộc tuần hành, ngăn chặn quốc lộ làm đình trệ giao thông... là những hành động vi phạm pháp luật, có tính đỉnh điểm về gây mất an ninh trật tự ở nông thôn. Do đó việc bảo đảm an ninh nông thôn càng trở nên cấp thiết đối với tất cả các địa bàn trong cả nước.
Giải quyết vấn đề an ninh nông thôn đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp, có sự thống nhất từ trên xuống dưới và có tính bền bỉ liên tục. Ở cấp vi mô thì cần phải tìm đúng căn nguyên mâu thuẫn phát sinh những vấn đề phức tạp ở nông thôn để có biện pháp giải quyết, ngăn chặn ngay từ lúc mới hình thành. Việc này rất cần sự vào cuộc sâu sát, tích cực từ các cán bộ cơ sở. Lực lượng này là gần dân nhất, hằng ngày bám nắm và hiểu rõ nguyện vọng của nhân dân, nên có thể đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Do đó phải xây dựng đội ngũ cán bộ này đủ mạnh (có uy tín, gương mẫu, trách nhiệm với công việc) để có thể hoàn thành được sứ mệnh là “cánh tay nối dài” của Đảng ở cơ sở. Ở những địa bàn nông thôn thường xảy ra mất an ninh trật tự, một phần là do cán bộ của cấp ủy, chính quyền cơ sở không phát huy được vai trò lãnh đạo và khả năng tập hợp của mình. Trên tầm vĩ mô thì Đảng, Nhà nước cần phải không ngừng nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh những bất cập về chính sách, chế độ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Chính sách chỉ trở nên khoa học và đúng đắn khi nó đi vào lòng dân và được xã hội chấp thuận... Và việc sau cùng mới là xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu gây rối, lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự ở nông thôn theo quy định của pháp luật.
An ninh nông thôn là một phần đặc biệt quan trọng, có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia. Vì vậy, phải luôn coi an ninh nông thôn là vấn đề cấp thiết, để có sự quan tâm đúng mực của cả hệ thống chính trị.
TRẦN VŨ