Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai và là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á đối với hạn hán, bão, lũ. Hơn 70% dân số của Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người bị thiệt mạng và các tài sản bị thiệt hại tính ra hơn 6,4 tỷ USD. Năm 2017 này là năm thiên tai diễn ra nhiều và gây thiệt hại nghiêm trọng. Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương cho biết, suốt 40 năm qua, chưa khi nào số lượng cơn bão ở Biển Đông lại nhiều như năm nay, tới 16 cơn. Cũng trong 40 năm qua, chưa năm nào xuất hiện cơn bão vào những ngày cuối cùng của năm mà có cường độ mạnh như bão số 16 (Tembin).

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP Vũng Tàu giúp dân sơ tán đến nơi an toàn.

Không ai muốn thiên tai xảy ra. Khi thiên tai đã xảy ra rồi thì ai cũng muốn khắc phục ngay hậu quả. Thế nhưng ở nhiều trường hợp, bản thân từng gia đình, từng địa phương dù nỗ lực hết mình cũng không thể giải quyết nhanh mà cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng và toàn xã hội.  

Theo Luật Phòng, chống thiên tai, hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm việc triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất. Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường. Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai. Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng… Kinh phí cho những hoạt động trên chủ yếu trích từ ngân sách Nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Vấn đề quan trọng là việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ phải tuân theo quy định của pháp luật, căn cứ vào mức độ thiệt hại, chia sẻ thông tin và phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, công khai và tránh trùng lặp.

Trước mắt, các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 16 cần chủ động huy động lực lượng tại chỗ với sự chi viện hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang dồn sức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. Do bão gây thiệt hại trên diện rộng ở trong vùng có nhiều nhà ở không kiên cố nên rất có thể sau bão, một số vật liệu xây dựng thiếu cục bộ, cần có phương án cung ứng kịp thời để tránh bị sốt giá. Ngành y tế, ngành giao thông vận tải, ngành điện, ngành môi trường cần huy động tối đa lực lượng sửa chữa những công trình bị hư hại, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh, ổn định nhanh đời sống nhân dân.

ĐỖ PHÚ THỌ