Mặc dù dự thảo mới đang trong giai đoạn “lấy ý kiến”, nhưng đã có một số bộ, ngành, địa phương bắt đầu thực hiện khoán thí điểm, trên cơ sở dự thảo của Bộ Tài chính, cho các chức danh trong diện có tiêu chuẩn xe công. Theo đó, các chức danh được xe công phục vụ khi tự túc phương tiện đi lại hằng ngày sẽ được thanh toán 6,5 triệu đồng/tháng, hoặc theo đơn giá 1.600 đồng/km cho thực tế quãng đường từ nhà tới công sở và ngược lại.

Dự án thí điểm này đang được sự đồng thuận cao của xã hội. Nhiều quan chức nằm trong diện khoán cũng ủng hộ và sẵn sàng “trả” xe công, sử dụng phương tiện cá nhân đi làm.

Đó có thể được coi là những tín hiệu tích cực cho chủ trương về khoán xe công.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không nên chỉ dừng lại ở việc khoán xe từ nhà tới cơ quan và ngược lại. Vì theo cách đó, số lượng xe công và lái xe sẽ không giảm, do hằng ngày vẫn phải đưa đón lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đi công tác, hội họp... Chẳng hạn, các Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh (nằm trong đối tượng khoán xe công) có nhu cầu sử dụng xe công hằng ngày rất lớn để điều hành công việc của ngành, địa phương. Vì thế câu hỏi đặt ra là nếu chỉ khoán việc đưa đón lãnh đạo từ nhà tới công sở thì liệu có tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước và tinh giản được biên chế? Đó là chưa kể khi xe công vẫn là để dành riêng cho lãnh đạo thì rất khó để kiểm soát việc lạm dụng xe công vào công việc cá nhân theo kiểu “tiện đường” đưa lãnh đạo về nhà, về quê, đám hiếu, đám hỉ…

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Quảng Bình đồng tình với dự thảo khoán chi phí xe công. Ảnh minh họa: Dân trí. 
Nói như vậy không có nghĩa chủ trương khoán xe công không phù hợp. Ngược lại, phải khẳng định rằng đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc siết chặt chi tiêu ngân sách, tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước, phòng chống lãng phí. 

Vấn đề còn phải bàn chỉ là làm cách nào để đề án khoán xe công mang lại kết quả đúng như kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ. Nhiều ý cho rằng cần phải bỏ luôn khái niệm “xe công” tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Chỉ nên giữ lại xe công cho những chức danh từ Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên. Đối với những Bộ, cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ quốc phòng-an ninh cấp chiến lược hoặc công tác đối ngoại thì nên thành lập đội xe phục vụ công việc chung. Còn các cấp lãnh đạo từ Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh trở xuống và các cơ quan, đơn vị không nằm trong đối tượng kể trên thì nên sử dụng xe dịch vụ.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, quan chức cao cấp được phát phiếu trả trước (voucher) dùng để trả cho các loại hình dịch vụ vận chuyển khi đi công tác. Một phương án khác cũng rất khả thi và hiệu quả là Bộ Tài chính sẽ cấp một khoản kinh phí đi lại cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, tùy theo tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ. Căn cứ vào khoản ngân sách hằng năm được cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chủ động đấu thầu hoặc ký hợp đồng với các công ty vận tải hành khách để chuyên chở cho cán bộ đi công tác.

Tóm lại, đề án khoán xe công là chủ trương đúng đắn, tích cực, giúp ngăn chặn tình trạng sử dụng xe công tràn lan, sai mục đích, lãng phí; giảm gánh nặng cho ngân sách; phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài sản công, tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật, chuyển sang cơ chế thuê, khoán. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu của đề án đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, các cấp, các ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện và Bộ Tài chính phải đưa ra một lộ trình phù hợp, những bước đi cụ thể, giải pháp căn cơ.

BẮC HÙNG