Những năm qua, số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc năm sau cao hơn năm trước; riêng năm 2016, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã đưa người đi xuất khẩu lao động vượt 17% kế hoạch. Nhiều lao động Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu cả ở những thị trường khắt khe, có thu nhập khá cao, đồng thời tích cực học hỏi về chuyên môn, tay nghề, chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, từng bước khẳng định “chữ tín” của lao động Việt Nam. Sau khi hết hạn hợp đồng về nước, nhiều lao động tiếp tục phát huy thế mạnh về vốn, tay nghề, kiến thức khoa học kỹ thuật, trở thành những doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng lao động, cư trú bất hợp pháp... ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín lao động Việt Nam. Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên, một phần do một số công ty dịch vụ, doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng nâng cao chất lượng cũng như định hướng nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ cho người lao động. Một số đơn vị làm ăn kiểu “chụp giật”, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/TTXVN 

Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung, quản lý các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói riêng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền nước sở tại, các doanh nghiệp, cơ sở lao động ở nước ngoài… để quản lý, giáo dục và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm hợp đồng lao động và pháp luật của nước sở tại...

Hiện nay, trong xu thế phát triển, hội nhập, các nước mà chúng ta đã, đang và sẽ hợp tác đưa lao động đến làm việc đặt ra những tiêu chí, yêu cầu khá khắt khe. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết về nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, bắt đầu từ công tác quảng bá, hướng nghiệp, tuyển chọn, đào tạo, dạy nghề cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Điều quan trọng là các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng… phải có các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, không đơn thuần chạy theo số lượng. Đó là việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường lao động phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo lao động xuất khẩu; định hướng nghề, đào tạo nghề, ngoại ngữ… một cách bài bản; tăng cường giáo dục, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động. Cùng với biểu dương, khuyến khích đơn vị, doanh nghiệp làm tốt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng việc xuất khẩu lao động để lừa đảo, trục lợi. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác quản lý, cơ quan chức năng nước bạn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực để lao động Việt Nam tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, mang lại lợi ích nhiều mặt cho đất nước, địa phương, gia đình… Đó cũng là những việc làm thiết thực, góp phần tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định.

QUANG THẮNG