Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) mang lại nhiều tiện ích cho cả giới kinh doanh cũng như NTD về thời gian, phương tiện và chi phí. Tuy nhiên, việc hàng giả, hàng nhái len lỏi nhiều vào sàn TMĐT gây thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho NTD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT Việt Nam phát triển khá mạnh trong 5 năm qua. Nếu như số người mua sắm trực tuyến ở nước ta năm 2015 là 30,3 triệu người, thì năm 2017 đã tăng lên 33,6 triệu người. Cho dù NTD thận trọng với cách mua là nhận hàng mới trả tiền (COD), nhưng vẫn gặp phải không ít sản phẩm nhái (hàng giả), hàng kém chất lượng.

Hiện nay, có nhiều chiêu trò lừa gạt chính sàn TMĐT, như: Bán hàng sai quảng cáo, tráo hàng, gian lận voucher… Không những vậy, người bán luôn dùng chiêu trò bán rẻ để câu kéo, trong khi NTD lại ham rẻ, chưa kiểm tra chất lượng dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng gần như phổ biến trên các sàn TMĐT. Chúng ta rất dễ thấy trên chợ online, nhiều loại giày da, quần áo, đồng hồ, mỹ phẩm hay những mặt hàng khác của các nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng giá bán lại giảm mạnh, chỉ còn từ 40% đến 70%. Điều này đã đánh đúng vào tâm lý của NTD là ham rẻ và phù hợp với túi tiền.  

Mua sắm trên sàn TMĐT đem đến cho NTD nhiều tiện lợi, nhưng khi hoạt động này chưa đi vào nền nếp thì nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái là rất cao. Mặc dù nước ta đã có những quy định xử phạt về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái trong Bộ luật Hình sự và Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng việc phát hiện, tố giác gặp nhiều khó khăn bởi mua hàng online chỉ thông qua giao dịch trên mạng, không có hóa đơn chứng từ, ít có địa chỉ của người bán. Những hàng hóa có giá trị thấp thì NTD còn e ngại tố giác, vì vướng mắc thủ tục giấy tờ rất mất thời gian.

Để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của doanh nghiệp quản lý sàn TMĐT, các cơ quan chức năng, hiệp hội bảo vệ NTD và NTD. Khi phát hiện bán hàng giả, hàng nhái trên mạng, doanh nghiệp quản lý cần loại bỏ ngay các cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh ra khỏi hệ thống; các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, còn NTD phải tẩy chay ngay các loại hàng hóa và đơn vị kinh doanh đó. Khi cần thiết, phải "đánh sập" website bán hàng giả, hàng nhái. Điều đáng nói ở đây là nếu ý thức của người kinh doanh tốt thì không có đất cho hàng "rởm" chen vào; khi các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm và khi NTD thông thái thì hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ không có chỗ đứng.

Kinh doanh TMĐT hiện nay là một xu hướng trên thế giới và ở Việt Nam. Để hoạt động kinh doanh này ngày càng phát triển, cần phải làm lành mạnh thị trường bằng cách chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng một cách hiệu quả. Có như vậy, chúng ta mới tăng thêm nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, tránh thiệt hại cho NTD, góp phần xây dựng nền kinh tế nước ta phát triển ngày càng bền vững.

PHÚ HƯNG