Dễ dàng nhận thấy điều này ở nước ta. Các nhà Nho Việt ái quốc luôn đề cao những giá trị tích cực tiêu biểu của danh. Với họ, danh dự của Tổ quốc, của dân tộc là trên hết, rồi tiếp đến mới là danh dự của bản thân. Những kẻ làm ô danh đất nước, cho dù biện minh bằng bất cứ động cơ nào, thì nhất loạt đều là những kẻ đáng khinh. Và những người làm rạng danh sông núi Việt, thì cho dù có mệt mỏi thất bại tới mức tuẫn tiết, đều được xem là gương sáng đáng trọng. Người Hà Nội khi lập bàn thờ rưng rưng khóc hai vị Tổng đốc của mình, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, chính là cách để tri ân những danh thơm bất tử.

leftcenterrightdel
 Một giờ học của các em học sinh tiểu học Hà Nội. Ảnh minh họa theo VOV

Có lẽ vì thế mà “danh thật” thường được trân trọng hiểu là “chính danh” hay “thanh danh”. Nhà Nho Nguyễn Công Trứ lúc làm đôi câu thơ răn mình: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” là hiểu chữ “danh” theo nghĩa tích cực ấy. Người có chữ mà tài cao đức dày thì gọi là “danh sĩ”. Lời mà ngay thẳng minh chính, làm tất cả tâm phục khẩu phục thì gọi là “danh ngôn”. Vì thế, tất cả những thứ này luôn được người đời yêu mến gọi là Thanh Danh. Do vậy, khi nhắc tới hai từ Thanh Danh, biết bao kẻ sĩ đều kính cẩn nghiêng mình. Lời cổ có câu “sĩ khả sát bất khả nhục”. Kẻ sĩ có thể chết chứ nhất quyết không chịu làm những điều gì ô danh. Dũng tướng của triều Trần là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, sau trận chiến ác liệt nhỡ sa cơ vào tay giặc thì vừa bị dọa nạt vừa bị dụ dỗ, nhưng ông chỉ điềm đạm phanh ngực khảng khái nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” rồi vươn đầu chịu chém.  

Giáo dục ở nước ta cũng nhấn mạnh, trường phải ra trường, lớp phải ra lớp, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Không phải ngẫu nhiên mà Khổng phu tử, tổ sư của Nho giáo, đã dặn đệ tử danh có chính thì ngôn mới thuận. Lời nói của người đã lương thiện chính danh thì bao giờ cũng chính đáng trôi chảy.

Danh trong tiếng Việt nôm na là “tên”, cốt phân biệt người này với người kia khi giao tiếp. Còn "chính danh” nôm na là “đúng tên” khi ai đó bắt buộc phải thể hiện ra những cái mà mình thực có. Tất nhiên muốn chính danh (có tên) thì đầu tiên phải tạo danh. Cách đơn giản nhất là do bố mẹ đặt. Theo cuốn Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính thì “ở nhà quê, con mới sinh ra thì gọi là thằng cu con đĩ. Ở vùng Thanh Nghệ thường gọi là thằng cò con hĩm, chứ không mấy người sinh ra đã đặt tên. Đặt tên thì nhà thường dân hay lấy vần, lấy nghĩa gần nhau mà đặt. Người Việt gọi những tên sơ khai đấy là tên “sữa” hay tên “cúng cơm”, rồi khi trưởng thành, không ít người thay tên cho phù hợp với xã hội học tập, công tác.

Tiếc rằng trong xã hội bây giờ xuất hiện một số người thay tên đổi họ-những nickname nửa hư nửa thực trên internet để núp danh, ăn nói quàng xiên, xằng bậy. Tất nhiên sớm muộn cũng phơi bày, bị lật mặt, bởi đa phần những người tử tế đều khao khát một “danh thật” với nghĩa Chính Danh. Bởi danh chính là sự kết tinh vất vả của việc tu thân dưỡng tính, biết giữ mình mong có dịp nào đó còn kịp cống hiến, vị tha đem chút ít hạnh phúc nhỏ nhoi cho đời.

Trong lịch sử chung của nhân loại, đã có rất nhiều tấm gương của những người bình thường chỉ giản dị biết giữ toàn danh thì vẫn được trân trọng.

  NGUYỄN VIỆT HÀ