Cuối cùng thì tò he vẫn tồn tại với chúng ta hôm nay. Sau những nỗi ưu tư trăn trở, sau những nỗ lực chung của cả xã hội, một thứ trò vui, một thứ quà vui dân dã từ ông bà xa xưa dành cho con trẻ vẫn có mặt bên các chợ Trung thu, bên thềm các lễ hội làng quê hay hè đường phố Hà Nội và các vùng ven đô. Riêng Trung thu, cùng với tò he là những đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn ông sư, là những chiếc trống, chiếc kèn, ông tiến sĩ, đầu lân sư… những đồ chơi, những vật linh và trò chơi truyền thống chỉ Trung thu mới có. Thật mừng là những nét xưa cũ vẫn cuốn hút mê say tâm hồn trẻ thơ, nhưng cũng chạnh buồn khi thấy những đồ chơi, trò chơi ấy cứ mỗi năm lại càng bị khuất lấp bởi đủ các loại đồ chơi ngoại và hiện đại tràn ngập phố xá, làng quê. Một nỗi buồn không hề vô cớ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / VnExpress. 

Những con tò he bé bằng ngón tay út cũng cân đai áo mũ, cũng gươm giáo đầy mình nhưng dường như khép nép e dè bên cạnh những võ sĩ, siêu nhân, chiến binh hùng hổ, súng ống xe tăng khạc ra lửa. Tò he thì bất động và im tiếng, trong khi các đoàn tàu hỏa, những chiếc máy bay, những con rùa, con thỏ, ô tô... tự chuyển động, tự đánh trống, hú còi huyên náo tưng bừng…

Là so sánh thế chứ tò he cùng các thứ đồ chơi truyền thống của ta vẫn cứ là cái thú riêng. Chỉ có điều tò he chạnh lòng vì trước sau lũ chúng bạn hàng nội của nó vẫn chỉ loanh quanh bấy nhiêu. Thế giới đồ chơi luôn phải có cái mới, luôn phải hướng tới sự đa dạng, phong phú và tân tiến để làm thỏa chí tò mò, nghịch ngợm, chơi và khám phá của trẻ thơ. Trẻ ham chơi nhưng chóng chán nên thèm cái mới ấy là nhu cầu, là động lực để các nhà sản xuất kinh doanh luôn sáng tạo. Thực tế mươi năm lại đây đồ chơi Việt cũng có nhiều thứ mới như các loại mặt nạ, búp bê, thú bông nhiều hơn, lại thêm những vương miện đội đầu, những bộ cánh thiên thần… hay trò thổi bong bóng tung tóe khắp đường. Song chừng đó là chưa thể làm thỏa mãn trẻ em. Đặc biệt, chúng ta không thể hay chưa thể làm ra các loại đồ chơi động. Chỉ một, hai cục pin, những mặt hàng ngoại nhập như con thú hoặc những siêu nhân, khẩu súng, những chiếc ô tô, xe tăng, tàu thủy… đã có thể phóng ra lửa, phát ra tiếng kêu và chuyển động. Công nghệ cơ khí, tự động không quá phức tạp nhưng chúng ta vẫn chưa sản xuất được hoặc chưa quan tâm đầu tư, sản xuất.

Từ lâu, những tiếng nói, những chương trình sáng tạo đồ chơi đã được đưa ra. Cũng từ lâu, những sáng kiến cụ thể như chế tạo tàu lặn của cha con họa sĩ Huy Toàn đã được thử nghiệm ở hồ Thiền Quang (Hà Nội), song chỉ dừng tại đó. Những mặt hàng xếp hình lạ lẫm, ô tô bằng gỗ từ một số cơ sở sản xuất nhỏ ở TP Hồ Chí Minh đã từng trở thành mặt hàng xuất khẩu nhưng không thể phát triển hơn nữa. Đồ chơi là một ngành chế tạo tổng hợp hội tụ nhiều loại nghề, ngành mà người Việt Nam có tiềm năng như nhựa, dệt may, tạo hình, cơ khí, điện tử… nhưng chúng ta chậm trễ, chúng ta không có những chính sách để thúc đẩy chăm lo cho việc sản xuất đồ chơi trở thành một hoạt động kinh tế đáng kể. Không dám nói đến việc xây dựng một nền công nghiệp đồ chơi thực sự nhưng chúng ta hoàn toàn có thể từng bước phát huy sự sáng tạo nhằm vào những phân khúc, những thị phần nhất định của loại hàng hóa khá đặc biệt này. Thực tế, dù các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc đã tràn ngập cả thị trường Âu, Mỹ lâu nay nhưng các nước này vẫn duy trì và phát triển được nhiều loại đồ chơi cả truyền thống lẫn hiện đại riêng.

Cần có thêm nhiều doanh nghiệp vào cuộc cùng những hoạt động xã hội ủng hộ, vun vén. Những hội chợ, những cuộc thi, triển lãm, liên hoan chuyên về các mặt hàng đồ chơi sẽ góp phần kích thích sự quan tâm đầu tư.

Vì trẻ thơ, chúng ta đã và đang làm được nhiều việc, nếu chú trọng hơn và biết tổ chức, đồ chơi nội sẽ phong phú, sinh động hơn đáp ứng nhu cầu của các em.

Hãy đừng để tò he chạnh lòng.

NGUYỄN MẠNH