Mới tối hôm qua, anh bạn của tôi là bác sĩ Bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh), hiện đang làm việc ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của thành phố tranh thủ gọi điện cho tôi nói rằng rất thương đồng nghiệp của mình. Mỗi ngày các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây phải làm việc rất căng thẳng để giành giật sự sống cho người bệnh và có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Anh bạn thương đồng nghiệp, còn tôi lại thương anh, thương tất cả những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến dập dịch này.
 |
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - TTYT huyện Quế Võ cũng bị ngất sau khi lấy mẫy xét nghiệm cho người dân trên địa bàn huyện ngày 22-5 được đồng nghiệp chăm sóc. Ảnh: ncov.moh.gov.vn |
Trong các đợt dịch vừa qua, lực lượng y tế luôn ở nơi tuyến đầu và phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn nhất. Mười ngày trở lại đây, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam đều có từ 2.500 đến hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó không ít bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đang phải nỗ lực gấp 2, gấp 3, thậm chí nhiều hơn nữa để truy vết, xét nghiệm, chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân. Chúng ta chứng kiến những nhân viên y tế bị kiệt sức ở tâm dịch Bắc Giang, bị ngất xỉu ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng phải nhờ người chăm sóc cha mẹ già yếu, con thơ còn bú sữa, hay khi bố mẹ, người thân qua đời cũng không về chịu tang được. Áp lực công việc vô cùng lớn cùng những tác động của ngoại cảnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm và sức khỏe của đội ngũ y tế nước ta, nhất là những người đang làm việc tại những nơi tâm dịch.
Ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chính quyền và một số doanh nghiệp đã bố trí hàng chục khách sạn, nhà công vụ để đội ngũ nhân viên y tế ăn nghỉ miễn phí. Một số tổ chức chính trị-xã hội, nhà hảo tâm đã tổ chức cung cấp những bữa ăn đủ chất, những vật dụng cần thiết để hỗ trợ các y, bác sĩ làm nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, đặc biệt là những người đang chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện. Một số anh chị em có hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ thêm về tiền bạc và vật chất. Các văn nghệ sĩ thì sáng tác các tiểu kịch, ca khúc, điệu múa để tôn vinh, ca ngợi và cổ vũ đội ngũ y, bác sĩ. Một số ca sĩ nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh còn đến tận bệnh viện, khu cách ly để cắt tóc, ca hát cho y, bác sĩ nghe, để họ bớt căng thẳng, vơi đi mệt nhọc và nỗi nhớ gia đình.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hình ảnh những “thiên thần áo trắng”, hay “thiên thần áo thiên thanh” nơi tuyến đầu đã rất đỗi quen thuộc trong bộ trang phục bảo hộ kín bưng. Họ phải đối mặt trực diện với kẻ thù vô hình, cùng bệnh nhân chiến đấu và chiến thắng loại virus quái ác. Vì thế, gánh nặng trên đôi vai của những nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là rất lớn. Để những chiến sĩ “đặc nhiệm” của chúng ta vững vàng trên trận tuyến đánh “giặc Covid-19”, chúng ta không chỉ là chăm sóc đến nơi ăn, chốn nghỉ mà còn phải chăm sóc tốt về sức khỏe, tinh thần và hậu phương gia đình của họ. Đó là những việc làm thiết thực, là sự đồng hành, sẻ chia và yêu thương nhất của chúng ta đối với đội ngũ y tế trong giai đoạn hiện nay.
LÊ PHI HÙNG