Từ mô hình này, các chi bộ lãnh đạo các tổ dân phố, xóm, thôn hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Phú Yên chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ theo hướng tập trung thảo luận, giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực theo chức năng, nhiệm vụ của chi bộ. Nhiều chi bộ tăng cường đưa đảng viên về sinh hoạt và thành lập các chi bộ Đảng tại địa bàn chưa có tổ chức đảng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở địa phương…
Quan tâm, chăm lo xây dựng chi bộ vững mạnh được Đảng ta xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từ đó có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, nơi nào chất lượng hoạt động của chi bộ tốt thì năng lực lãnh đạo và sức mạnh của tổ chức Đảng được nâng cao, cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng chi bộ vững mạnh góp phần để Đảng ta lãnh đạo đất nước, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến quan trọng.
Tuy nhiên, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng đã chỉ rõ, nhiều chi bộ chưa xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, có chất lượng cao, số lượng phù hợp; thực hành dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình chưa cao; chất lượng sinh hoạt chi bộ một số nơi còn thấp; công tác quản lý, rèn luyện đảng viên có chi bộ chưa kịp thời... Nhiều khuyết điểm của đảng viên trong chi bộ chậm được phát hiện; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, cơ hội; một số cán bộ, đảng viên còn biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, lạm quyền…
Đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bỏ phiếu bầu BCH Trung ương khóa XII. Ảnh minh họa: Báo Dân trí .
Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của mỗi chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”, “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Người cũng chỉ rõ: “Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt. Chi bộ kém là vì đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân... Một số đảng viên và cán bộ còn mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ…; họ đã không làm kiểu mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, xây dựng chi bộ vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ càng cần thiết hơn lúc nào hết. Trong 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra, nếu được phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả từ chi bộ thì đó sẽ là giải pháp quan trọng để nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống; góp phần tích cực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.
PHẠM THU HẰNG