Thời gian chống dịch kéo dài, toàn ngành y phải căng sức làm việc gấp hai, gấp ba... và rất nhiều "chiến binh chống dịch" nhiều tháng không được về nhà, trong khi các con đã bước vào năm học mới với rất nhiều việc phải lo... Thực tế đã có một số nhân viên y tế kiệt sức, giảm hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm qua, tuy không tiếng súng, song các y, bác sĩ phải làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt, gian khổ, trực tiếp tiếp xúc, "chiến đấu" với loại virus vô cùng nguy hiểm để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Nhiều y, bác sĩ ngất xỉu sau những ngày làm việc liên tục với cường độ cao. Không ít thầy thuốc vừa hoàn thành nhiệm vụ tại những vùng tâm dịch ở miền Bắc, chưa kịp về thăm nhà lại xung phong lên đường vì miền Nam ruột thịt, nhiều tháng liền không được gặp con thơ. Thực tế, các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch có người thân qua đời đều không thể về chịu tang, nén đau thương để làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng nhân dân. Đặc biệt, kể từ đầu đại dịch tới nay, hơn 2.300 nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, 3 thầy thuốc mãi mãi không trở về...

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm qua, tuy không tiếng súng, song các y, bác sĩ phải làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt, gian khổ, trực tiếp tiếp xúc, "chiến đấu" với loại virus vô cùng nguy hiểm để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bộ Y tế  

Những câu chuyện nói trên phần nào cho thấy sự đóng góp, hy sinh to lớn của đội ngũ thầy thuốc cùng các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống đại dịch càng kéo dài thì càng nhiều khó khăn, vất vả. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần dành sự quan tâm, động viên, khích lệ, chăm lo chu đáo hơn nữa cả về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu. Tập trung nguồn lực bảo đảm đủ phương tiện, trang bị cần thiết để các y, bác sĩ vừa điều trị, chăm sóc bệnh nhân hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân; cần có phương án, kế hoạch điều phối, phân công, sử dụng lực lượng hợp lý nhằm giảm tải cho lực lượng y tế; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng để khích lệ, động viên, nhân rộng điển hình; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch làm cơ sở để đánh giá, sử dụng cán bộ sau này.

Bên cạnh đó, dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng vẫn cần nghiên cứu bổ sung những chế độ, chính sách ưu đãi dành cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần khẩn trương rà soát, có biện pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ hậu phương, gia đình của các y, bác sĩ và những lực lượng trên tuyến đầu chiến đấu với đại dịch, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để người ở tiền tuyến yên tâm đánh "giặc Covid-19".

Mỗi chúng ta, chia sẻ với những vất vả, hy sinh của các y, bác sĩ và lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, ngoài sự quan tâm, động viên, việc rất thiết thực là phải tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch nhằm giảm thiểu áp lực đối với ngành y tế, để lực lượng tuyến đầu bớt vất vả và dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

PHẠM HOÀNG HÀ