Có thể nói, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương là “bộ mặt” của hệ thống chính trị. Trên thực tế, cơ quan hành chính các cấp trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan tới công việc, cuộc sống của người dân. Thế nhưng đang tồn tại một thực tế đáng buồn là một số cán bộ, công chức trong bộ máy ấy lại tỏ thái độ quan cách, hách dịch khi tiếp xúc với người dân, hoặc bàng quan đến vô cảm đối với công việc của dân. Những cán bộ, công chức này chắc hẳn đã quên rằng trọng trách họ đang nắm giữ là do dân bầu, dân cử, tiền lương họ lĩnh hằng tháng từ tiền thuế của dân. Và trên hết, họ đang thực hiện trọng trách lớn lao là đại diện cho chính quyền cách mạng - chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại khu vực giao dịch một cửa điện tử ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Vốn dĩ người dân chỉ khi có việc cần giải quyết mới tới các cơ quan công quyền. Trong quá trình làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, nếu người dân bị “hành” là “chính” thì họ không chỉ bức xúc với những cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với mình, mà còn giảm niềm tin vào cả hệ thống chính trị. Ngược lại, khi người dân cảm nhận được sự tôn trọng, nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, phục vụ tận tình từ phía các cán bộ tại cơ quan hành chính, họ sẽ thêm tin yêu vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội và chính quyền các cấp. Nói cách khác, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan hành chính các cấp đang là một vấn đề quan trọng, mang tính sống còn trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp phải luôn ghi nhớ 4 “xin”: “xin chào”, “xin hỏi”, “xin lỗi”, “xin cảm ơn”. Thủ tướng cho rằng đó là yêu cầu về phẩm chất đạo đức không thể thiếu đối với cán bộ, công chức đại diện cho cơ quan công quyền tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Mới nghe thì tưởng đơn giản, nhưng yêu cầu của Thủ tướng mang hàm ý rất sâu xa. Bởi lẽ, để cán bộ, công chức “xin chào” mỗi khi gặp người dân thì họ phải có lòng kính trọng dân. Khi cán bộ, công chức biết “xin hỏi” dân, thì họ phải là những cán bộ tận tâm, thực sự coi mình là đầy tớ, công bộc của nhân dân. Để cán bộ, công chức dám nói lời “xin lỗi” người dân, thì họ phải là những người cầu thị, biết nhận lỗi để sửa sai, phấn đấu phục vụ nhân dân tốt hơn. Còn khi cán bộ, công chức bày tỏ “xin cảm ơn” người dân đến làm việc, thì chứng tỏ người cán bộ đó đã hiểu rõ rằng: Chừng nào người dân còn đến cơ quan công quyền để yêu cầu giải quyết công việc, đề nghị được giúp đỡ thì đó chính là vinh dự của họ. Và như vậy cũng có nghĩa là người dân vẫn đang tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào hệ thống chính trị thông qua những người đại diện của chính quyền như họ.
Những yêu cầu về việc phải thường xuyên trau rèn, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và văn hóa ứng xử đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp của Thủ tướng Chính phủ mang thông điệp rõ ràng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong công tác cải cách hành chính Nhà nước nói chung và nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nói riêng. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng nhằm xây dựng Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang sôi nổi thi đua và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại của dân tộc, khi lần đầu tiên trong lịch sử người dân Việt Nam được làm chủ vận mệnh của mình, dựng xây lên một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo bước đột phá trong việc nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy hành chính những kẻ quan liêu, nhũng nhiễu dân để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, qua đó nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào tổ chức Đảng và chính quyền các cấp.
QUANG HÙNG