Chúng ta chắc không khỏi băn khoăn khi những thông tin về người tốt, việc tốt được các báo đăng tải hoặc các phương tiện truyền thông đưa lên chưa được nhiều người biết đến hoặc ít được chú ý, trong khi đó, thông tin tiêu cực như cướp của, giết người, bôi xấu hình ảnh cá nhân… lại được nhiều người tìm tới đọc.
Ảnh minh họa. Nguồn: iitf.at.
Tác động không tốt của thông tin tiêu cực là điều ai cũng đã rõ. Nó có thể khiến người ta có cách nghĩ lệch lạc, vô bổ, triệt tiêu sức phấn đấu và thậm chí là có những hành động nguy hiểm, ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng. Với những tác động không tốt của thông tin tiêu cực cùng tâm lý “tò mò với tiêu cực” luôn thường trực trong độc giả, một trong những câu trả lời cho câu hỏi: “Làm sao để có được những thông tin đúng, đủ và tích cực?” là: Độc giả cần phải biết thiết lập một “bộ lọc” thông tin, mà thực chất là cơ chế tự điều chỉnh, cơ chế tự báo động cho bản thân.
Khi tiếp nhận nhiều thông tin “khác thường” về một vấn đề nào đó, độc giả nên dành thời gian cân nhắc, phân tích và kiểm tra chéo thông tin này qua các nguồn khác nhau. Người đọc cần phải xác định được thông tin A hay thông tin B nếu đúng sẽ được chính thức phát đi từ đâu, và như vậy sẽ kiểm chứng được thông tin này thất thiệt hay không. Hầu hết các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đều có trang thông tin chính thức của mình. Đây sẽ là nơi thông tin chính thống được đưa ra; bất cứ thông tin nào không có nguồn gốc và không dẫn nguồn từ đây đều không đủ độ tin cậy và cần phải kiểm chứng. Ngoài cơ chế tự điều chỉnh, độc giả nên thường xuyên tham khảo, cập nhật những khuyến nghị về tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí, truyền thông; qua đó, nắm bắt, sàng lọc được những thông tin xấu độc, tiêu cực, cần được kiểm chứng. Quan trọng hơn cả, độc giả cần quyết định liệu mình có cần tới một thông tin “khác thường” nào đó hay không. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác định hướng truyền thông để người đọc có thể dễ dàng tiếp cận hơn với thông tin tích cực, chính thống.
Thiết nghĩ, trong một thế giới phẳng, thông tin đa chiều, thậm chí trái chiều đang tràn ngập. Nếu coi thông tin là những món hàng và độc giả là khách hàng thì độc giả cần phải là những người tiêu dùng thông thái để có thể chọn được món hàng hữu dụng, không rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang” trong một “siêu thị thông tin” đa chiều như hiện nay.
HỮU DƯƠNG