Khoa học chứng minh, trẻ em được dạy kỹ năng sống từ bé khi lớn lên sẽ không chỉ có sức khỏe mà cơ hội để thành công, thành đạt trong cuộc sống sẽ nhiều hơn.

Đã qua thời phụ huynh chỉ cần lo cho con em mình cái ăn cái mặc, đến trường đi học. Tuy nhiên, tâm lý mong con học giỏi, có nhiều kiến thức để về sau thành đạt vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Mong muốn đó là chính đáng nhưng vẫn chưa đầy đủ. Giáo dục hiện đại kỳ vọng một đứa trẻ khi lớn lên hội tụ đầy đủ các phẩm chất, không chỉ có kiến thức mà còn cần có kỹ năng sống tích cực. Một người trưởng thành lên kế hoạch về chiến lược kinh doanh bài bản nhưng không có kỹ năng giao tiếp làm sao tiếp cận khách hàng để bán sản phẩm? Ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống, từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế. Thầy cô chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sống, chỉ có một số trường học ở thành phố có điều kiện triển khai thực hiện. Quỹ thời gian trong trường học để thầy cô chuyển tải kiến thức cơ bản hạn hẹp, phần dành cho kỹ năng sống không nhiều, chủ yếu dạy và học bằng hình thức lồng ghép. Trước hiện trạng đó, nhiều cơ sở kinh doanh giáo dục ra đời nhằm giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt trong dịp hè. Thế nhưng, chất lượng các khóa học, nội dung bài giảng đa phần chưa tốt, không ít phụ huynh và học sinh mất thời gian, tiền bạc theo các chương trình học kỹ năng sống mà hiệu quả không cao.

Dường như chính cách hiểu kỹ năng sống chưa thật đúng đắn cộng với tâm lý đám đông khiến nhiều bậc phụ huynh sốt sắng đưa con theo học, phó mặc cho nhà trường và xã hội giáo dục. Phụ huynh quên mất rằng chính gia đình mới là môi trường bồi đắp, hoàn thiện kỹ năng sống lành mạnh cho con em mình. Giáo dục kỹ năng sống không phải là những điều siêu việt, xa xôi, mà bắt đầu trước tiên ở việc tìm hiểu con trẻ thiếu gì và muốn tìm hiểu kỹ năng sống nào. Trước mắt là trang bị cho trẻ những kỹ năng sinh tồn như học bơi, hiểu tiêu lệnh chữa cháy và biết hành động khi có cháy… Trên cơ sở ý thích của từng em, có thể hướng con em theo học một môn nghệ thuật, tập một môn thể thao, giúp các em thể chất khỏe mạnh, nền tảng thẩm mỹ, sự tự giác, tinh thần rèn luyện bền bỉ...

Giáo dục kỹ năng sống thường được dạy qua quá trình giáo dục con cái hoặc trực tiếp với mục đích giảng dạy một kỹ năng cụ thể. Bản thân cha mẹ có thể được coi là một tập hợp các kỹ năng sống mà con cái sẽ tiếp thu một cách tự nhiên hoặc được dạy. Trẻ em vốn có tính bắt chước, không thể nào có một đứa trẻ lớn lên giao tiếp, ứng xử tốt khi mà chính bố mẹ các em sống khép kín, vị kỷ, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực, vô văn hóa với nhau, với hàng xóm láng giềng, không có ý thức cộng đồng… Nếu các bậc phụ huynh không dành thời gian hoạt động, trò chuyện, lắng nghe con em mình thì đừng ngạc nhiên vì sao giữa hai thế hệ khó có thể thấu cảm nhau; trẻ em cuối cùng khép mình vào thế giới riêng, đôi khi đi nhầm đường, chệch hướng, lệch lạc trong thái độ, hành vi.

Bởi vậy, trước khi trông chờ việc giáo dục kỹ năng sống ở môi trường sư phạm, cha mẹ cần làm gương, cần là “người thầy” đầu tiên, nhẫn nại, bền bỉ giúp con em hoàn thiện các kỹ năng, làm hành trang cho trẻ vững bước trên đường đời.

HÀM ĐAN