Phần lớn thời gian dành cho một nhà nghiên cứu thuyết trình, nội dung trùng lặp với những lần hội thảo trước đó. Chuyên gia vừa dứt lời, chủ tọa kết luận dăm câu ba điều, cả hội trường vỗ tay rồi ra về. Vốn quen biết với giám đốc bảo tàng nên tôi mạnh dạn góp ý về chất lượng hội thảo, vị này kéo tôi lại gần, thì thầm...

Hóa ra, ban tổ chức cũng không trông chờ thu nhận được ý kiến mới mẻ, bổ ích! Tổ chức là để báo cáo cấp trên là đã... tổ chức hội thảo với mục đích rất kêu là “cung cấp luận cứ khoa học”. Việc bài trí bảo tàng thế nào đã được ấn định trước đó rồi.

leftcenterrightdel
  Ảnh minh họa: baodansinh.vn 

Nhiều người sẽ nghĩ: Muốn lấy ý kiến chuyên gia không cần tổ chức hội thảo, chỉ cần chuyên gia nêu ý kiến bằng văn bản, rồi tiếp thu, tổng hợp là xong. Ý kiến này thoạt nghe hợp lý nhưng thực chất lại cực đoan, hoàn toàn chưa hiểu bản chất của hội thảo.

Hội thảo là cuộc gặp mặt của một nhóm người có cùng một mối quan tâm tại một địa điểm và thời gian đã định trước để tranh luận. Từ thời cổ đại, “hội thảo” đã được các triết gia, trí thức thực hiện bằng hình thức vừa tản bộ vừa tranh luận.

Đến thời hiện đại, nhiều tòa nhà khang trang được xây dựng để tổ chức hội thảo hoành tráng, tiện nghi. Với công nghệ thông tin phát triển, hội thảo còn được tổ chức trực tuyến, mở rộng kết nối và tiện lợi hơn. Dù được tổ chức dưới hình thức nào thì mục đích hội thảo cũng không thay đổi, vẫn là nơi để người tham gia có chuyên môn nêu ý kiến, tranh luận; từ đó thống nhất nhận thức hoặc gợi mở vấn đề mới cần tiếp tục đào sâu làm rõ.

Nhiều cuộc hội thảo được chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định mục tiêu đúng và trúng, được tổ chức xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Kết quả hội thảo đã tập trung trí tuệ từng cá nhân hợp thành trí tuệ tập thể, đưa ra giải pháp, kiến nghị hữu ích, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, chưa đạt được sự đồng thuận trước đó. 

Bên cạnh đó, có không ít hội thảo tổ chức “hình thức chủ nghĩa”, nội dung nhạt nhẽo, tầm phào, dông dài, thiếu đối thoại; tranh biện sắp đặt như một “vở diễn” xuất hiện nhan nhản. Nếu làm phép cộng, có thể hình dung lượng thời gian, tiền bạc không hề nhỏ của xã hội đã rơi vào hư không, vô cùng lãng phí. Hội thảo thiếu hiệu quả là bởi đã xa rời bản chất tốt đẹp, biến tướng trở thành một cuộc gặp mặt sáo rỗng, thiếu dân chủ, thiếu khoa học, thậm chí không loại trừ mục đích vụ lợi đằng sau.

Cho nên, việc tổ chức càng nhiều hội thảo không phải là điều đáng quan ngại, nhất là khi mọi ngành, mọi lĩnh vực nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, xuất hiện nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có kinh nghiệm, rất cần những tiếng nói có tâm, có tầm để làm rõ vấn đề. Vấn đề mấu chốt là nội dung và hình thức hội thảo cần phải thiết thực, cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, đi vào trọng tâm.   

Hiện nay, việc tổ chức hội thảo mang danh khoa học xuất hiện rất nhiều, khi kết thúc lúc nào cũng được đánh giá “thành công tốt đẹp”. Hiệu quả thực sự, thành công thực sự chỉ đến khi hội thảo đó mang lại kết quả có ích cho xã hội, chứ không phải bằng những tràng vỗ tay giòn giã. Thiết nghĩ, các ban, bộ, ngành, địa phương cần cân nhắc, hạn chế tổ chức hội thảo không cần thiết. Đó mới là việc làm tốt đẹp, nêu cao tinh thần tiết kiệm, ích nước, lợi nhà.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.