Còn nhớ, khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại đấu trường Đông Nam Á, chúng ta chỉ có những chiếc huy chương ít ỏi, dần dần thành tích mới tăng lên. Khi đăng cai SEA Games 2003, thể thao Việt Nam đã vươn lên, chiếm vị trí số 1 khu vực, nhưng điều đó chỉ được xem là bản lề để thể thao Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới những thành công trên đấu trường rộng lớn hơn.

Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Ảnh: Getty.
Tham dự ASIAD, thể thao nước nhà cũng có lúc tốt, lúc lận đận, đôi khi trông mong 1 HCV còn khó. Vì thế, Huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh ở ngày hội lớn nhất hành tinh hết sức đẹp đẽ, đầy sức thuyết phục không chỉ với người Việt mà cả bè bạn năm châu. Cũng cần nói thêm, trước đây dù lần nào cũng nỗ lực nhưng qua các kỳ Ô-lim-pích chúng ta mới chỉ có 2 HCB do công của võ sĩ téc-cun-đô Trần Hiếu Ngân (năm 2000) và đô cử Hoàng Anh Tuấn (năm 2008). 

Trong thành công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, có người sớm lo thể thao nước nhà thiếu hụt đội ngũ kế cận tài năng. Lo là đúng, là không thừa, nhưng tin chắc, khi đã có con người cụ thể, Đảng, Nhà nước, ngành thể thao sẽ biết cách đầu tư sao cho hợp lý. Chúng ta sẽ tập trung, huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội, cùng nhau khắc phục, vượt qua khó khăn. Còn HLV, VĐV phải nghĩ mình như người lính, biết phấn đấu hy sinh và chấp nhận phần thiệt thòi trong cuộc sống để giành những tấm huy chương. 

Có thể khẳng định, cùng với thể thao Hà Nội, thể thao TP Hồ Chí Minh, thể thao quân đội là một trong những trụ móng của thể thao nước nhà. Trước mỗi giải đấu lớn, các VĐV của quân đội được trông ngóng, tuyệt đối tin tưởng và chuyện ở Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 là một minh chứng. Khi đó, Hoàng Xuân Vinh là đội trưởng của VĐV Việt Nam. Trước ngày tranh tài, anh phát biểu: "Chúng tôi là một tập thể đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, và được đại diện cho Việt Nam thi đấu ở Ô-lim-pích kỳ này. Với một tinh thần của người lính được giao nhiệm vụ làm đội trưởng, tôi xin hứa sẽ cùng các đồng đội trong đoàn thể thao Việt Nam đoàn kết, hết mình thi đấu cố gắng làm thế nào để khắc phục những khó khăn, vượt qua thử thách về tâm lý, giành thành tích cho Tổ quốc. Tôi biết cả nước đang theo dõi từng cuộc thi, từng kết quả thi đấu của từng thành viên trong đoàn. Thi đấu này không phải thi đấu cho một cá nhân, mà phải như tinh thần của một người lính, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc".

Trong thành tích của Hoàng Xuân Vinh ở Ô-lim-pích Rio 2016 có công của Đảng và Nhà nước, mà cụ thể là của quân đội, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tổng cục TDTT… Bên cạnh đó là sự hy sinh vô điều kiện của cá nhân Hoàng Xuân Vinh. Anh là VĐV rất không may, đã hai lần mồ côi mẹ, sinh hoạt trong một gia đình còn không ít khó khăn. Khi đi tập huấn hay tập luyện trong nước thì điều kiện tập luyện của anh và đồng đội không được như các VĐV đẳng cấp thế giới; cơ số đạn bắn tập không thể cung cấp đủ. Một ngày giơ lên đặt xuống cả nghìn lần nhưng chỉ có vài trăm viên đạn. Làm thế nào bóp cò được, trong hoàn cảnh thiếu thốn? Chỉ có cách gắng chịu, vượt khó, dùng quyết tâm của mình để vượt qua mọi áp lực.

Hy vọng, tấm HCV của xạ thủ quân đội vừa giành được không chỉ là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho riêng VĐV, HLV hay ngành TDTT mà của chung cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

HOÀNG VĨNH GIANG - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam