Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong điều kiện tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương đều nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ cấp nước sạch nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước để phục vụ sản xuất.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/theo kinhtemoitruong.vn 

Tinh thần hưởng ứng của các địa phương vùng ĐBSCL phản ánh đúng với thực trạng đang diễn ra: Hơn 80% dân số khu vực nông thôn nơi đây sử dụng nước sinh hoạt được lấy từ nguồn nước dưới mặt đất (nước ngầm) và phần lớn các công trình khai thác nước ngầm nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan) là để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong khi đó, nguồn cung cấp nước ngầm ở ĐBSCL được ghi nhận đang bị suy thoái, nhiều nơi còn bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hoặc bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại.

Nhìn lại các đợt hạn hán, mặn xâm nhập lịch sử xuất hiện trong mùa khô năm 2016 và 2020, các địa phương vùng ĐBSCL, nhất là những nơi ven biển, gần như “thất thủ” và lúng túng, bị động ứng phó. Lúc cao điểm của mùa khô năm 2020, theo báo cáo của ngành chức năng, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) có hơn 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở những vùng nông thôn, trong đó tỉnh Sóc Trăng nhiều nhất với hơn 24.000 hộ.

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp cũng thiếu hụt trầm trọng bởi nước biển xâm nhập sâu vào đất liền có nơi lên đến 70km. Thiệt hại về diện tích cây trồng xảy ra trên diện rộng. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, “thủ phủ” của cây sầu riêng vùng ĐBSCL, có khoảng 4.460ha trồng sầu riêng (trong tổng số hơn 14.870ha) bị thiệt hại, mặc dù địa phương phát động cả một “chiến dịch” ứng cứu; nhiều đơn vị quân đội (thuộc Quân khu 9 và Vùng 4 Hải quân) đã tham gia vận chuyển nước ngọt đến hỗ trợ người dân cứu cây.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu đến sớm hơn dự báo và diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước ở ĐBSCL càng trở nên cấp bách. Các công trình nghiên cứu và số liệu quan trắc, đo đạc thực tế cho thấy một góc nhìn khái quát: Do khai thác, sử dụng thiếu kiểm soát, trữ lượng nước ngầm của ĐBSCL đã bị sụt giảm nghiêm trọng, chậm phục hồi do lượng mưa ngày càng ít đi và tổng lượng nước sông Mê Công đổ về ĐBSCL ngày càng thấp. Nước ngầm sụt giảm còn kéo theo hệ lụy sụt lún mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập sâu vào đất liền.

Báo cáo của các địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, hiện nay công tác quản lý tài nguyên nước ngầm còn thiếu sự liên kết; nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước; quy mô, trữ lượng nước ngầm chưa được đánh giá đầy đủ; năng lực kỹ thuật để quản lý và bảo vệ nước ngầm trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế. Nước ngầm là nguồn tài nguyên chiến lược, không thể phục hồi trong phạm vi thời gian ngắn, vì vậy, rất cần có sự quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý vì sự phát triển bền vững.

HỒNG BỈNH HIẾU