QĐND - Tại một cuộc họp mới đây, khi phân tích về nguyên nhân các vụ cháy xảy ra liên tiếp trên địa bàn Thủ đô, lãnh đạo Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội cho biết, có một nguyên nhân chủ quan gây hỏa hoạn, đó là hiện tượng, số ít người kinh doanh ban đầu không mua bảo hiểm, nhưng khi làm ăn thua lỗ đã dùng các biện pháp khác để trục lợi, ví dụ như mua bảo hiểm cháy, nổ (BHCN) 100% rồi tạo ra các sự cố gây cháy...
Thực tế có vụ cháy, khi điều tra, cơ quan chức năng không hề thấy chủ cơ sở có thái độ xót xa nào trước tài sản đã bị thiêu rụi mặc dù là khá lớn. Điều này cho thấy xung quanh chuyện mua BHCN đang có dấu hiệu bất bình thường. Theo quy định tại Điều 9 của Luật PCCC thì, cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thực hiện BHCN bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó. Còn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp bán bảo hiểm không được từ chối bán BHCN bắt buộc, trừ trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm chưa được nghiệm thu về PCCC khi xây dựng mới, cải tạo, hoặc thay đổi tính chất sử dụng. Hướng dẫn cũng chỉ rõ, nếu cơ sở không có biên bản kiểm tra về PCCC của Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm; đang bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về PCCC thì cũng không được mua BHCN. Ngược lại, nếu chủ cơ sở hoặc doanh nghiệp mua BHCN nhưng Cảnh sát PCCC kiểm tra và lập biên bản kết luận cơ sở này không đủ điều kiện về PCCC thì doanh nghiệp bán bảo hiểm được quyền chấm dứt hợp đồng BHCN trước thời hạn. Như vậy cũng có nghĩa, doanh nghiệp bán BHCN bắt buộc chỉ được bán bảo hiểm khi chủ doanh nghiệp mua BHCN có giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC.
Luật quy định là vậy nhưng thực tế việc thực hiện đang có những vấn đề đặt ra. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay số lượng tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở tư nhân tham gia BHCN bắt buộc rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp tìm cách né tránh hoặc tham gia theo kiểu đối phó. Bên cạnh đó, lợi dụng việc mua BHCN sẽ giúp doanh nghiệp bảo toàn được vốn và tái sản xuất kinh doanh trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy, nổ, có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng để bảo toàn được vốn đã mua bảo hiểm 100% rồi tạo ra “màn kịch” cháy nổ...
Đối với các doanh nghiệp bán BHCN, mặc dù luật quy định rõ doanh nghiệp nào được mua, doanh nghiệp nào không được mua BHCN bắt buộc và trong trường hợp nào thì doanh nghiệp bán bảo hiểm được quyền chấm dứt hợp đồng BHCN bắt buộc trước hạn… nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều sơ hở để các doanh nghiệp “lách luật” khi mua BHCN. Không ít tổ chức, doanh nghiệp đáng lẽ phải mua BHCN bắt buộc nhưng họ không tham gia, hoặc tham gia theo kiểu gọi là có. Ngược lại có những doanh nghiệp, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC (theo quy định của luật) nhưng lại rất “nhiệt tình” mua BHCN 100% rồi tạo ra “màn kịch” để hưởng bồi thường...
Để khắc phục những lộn xộn đó, trước hết, các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Bộ Tài chính và Bộ Công an cần thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHCN bắt buộc của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc cũng như các doanh nghiệp bán bảo hiểm. Đồng thời đưa ra hình thức và mức phạt rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm, đặc biệt là những cơ sở lợi dụng chủ trương này để trục lợi. Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên quan cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHCN bắt buộc. Đặc biệt cần xác định chi tiết hơn tài sản phải thực hiện chế độ BHCN bắt buộc cùng các cơ chế tài chính thích hợp. Đi kèm với đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để chủ các cơ sở hiểu đúng bản chất của việc thực hiện chế độ BHCN bắt buộc… Có như vậy việc thực thi chế độ BHCN bắt buộc mới thực sự đi vào đời sống xã hội và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHCN bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật.
PHÙNG KIM LÂN