Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những vụ tai nạn tương tự như vậy. Điều này càng cho thấy cần sự quan tâm, sát sao và những biện pháp quyết liệt hơn nữa để xây dựng môi trường giao thông an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước.

Mô hình xe buýt đưa đón học sinh đến trường đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại một số khu vực nông thôn, miền núi, địa bàn rộng, khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, xe buýt đã giúp các em vơi bớt vất vả, rút ngắn thời gian đi lại. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn, chất lượng phương tiện đưa đón học sinh không phải lúc nào cũng được quan tâm đúng mức như hai vụ tai nạn tại Đắc Lắc và Sơn La làm hai học sinh tử vong đều do các em bị rơi khỏi xe khi những ô tô này đang chạy trên đường.

Ghi nhận ban đầu tại hiện trường cho thấy, chốt cửa xe bị bung ra trong vụ tai nạn tại Sơn La và cửa xe không đóng đối với trường hợp ở Đắc Lắc. Những trường hợp này đã đặt ra nhiều câu hỏi về độ an toàn kỹ thuật của phương tiện, kỹ năng của lái xe và việc tuân thủ quy tắc giao thông.

Chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh trong vụ tai nạn tại Sơn La. Ảnh: TTXVN

Đã có những cảnh báo về hiện tượng một số đơn vị đưa xe hết hạn sử dụng, thậm chí đã cũ nát làm xe đưa đón học sinh, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điều kiện hạ tầng giao thông ở những khu vực này còn hạn chế, nếu phương tiện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, càng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn. Chưa kể còn có sự thờ ơ, lơi lỏng, thậm chí bất chấp quy định của pháp luật chỉ vì lợi ích trước mắt của một bộ phận những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh.

Chính sự thiếu trách nhiệm của người lớn đã dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường cũng chưa được phát huy đầy đủ. Khi những yếu tố cần thiết để bảo đảm an toàn còn bị coi nhẹ thì nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn hiện hữu.

Theo quy định của pháp luật, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện với những yêu cầu bắt buộc về bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện cùng tham gia giao thông khác. Đối với xe đưa đón học sinh, những yêu cầu này càng phải được nâng lên một bước bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông nên dễ bị tổn thương, đặc biệt trong môi trường giao thông hỗn hợp, nhiều loại phương tiện cùng lưu thông.

Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn, trước hết, cần nhanh chóng triển khai rà soát tổng thể các phương tiện đang sử dụng cho dịch vụ đưa đón học sinh trên cả nước. Với những xe không bảo đảm điều kiện lưu thông an toàn cần kiên quyết loại bỏ, không để xe chở học sinh trở thành hiểm họa trên đường phố. Công tác này cần trở thành việc làm thường xuyên và có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lưu hành xe “hết đát”. Cùng với đó, cần hướng tới xây dựng tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh phù hợp với lứa tuổi của các em. Lái xe phải được cấp giấy phép theo đúng phương tiện chuyên chở.

Không chỉ cơ quan chức năng mà bản thân nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh cần phát huy hơn nữa vai trò trực tiếp trong việc bảo vệ, giám sát an toàn cho con em mình. Phương án tổ chức xe đưa đón học sinh cần đặt yếu tố an toàn lên trên hết, ràng buộc trách nhiệm cụ thể từ lái xe, phụ xe, chủ xe đến đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải. Các điều kiện về an toàn không thể bị đánh đổi do tiết kiệm chi phí hay vì bất kỳ lý do nào khác. Chăm lo cho học sinh trên từng cung đường là hành động thiết thực để nâng bước các em đến trường, đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

ĐỖ MẠNH HƯNG