 |
Mua, bán tại một siêu thị điện thoại di động. Ảnh: Internet |
Đấy là câu nói đùa mang tính hài hước, giễu nhại, đôi khi là tự trào, khi người ta chứng kiến những hành động tiêu xài, mua sắm hoặc phục trang có phần hơi quá của một số người trong xã hội hiện nay. Trong bối cảnh khi Tết Nguyên đán đang tới gần, cũng không phải là thừa khi lạm bàn về hiện tượng này.
Cho dù đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong những năm đổi mới vừa qua, thế nhưng không thể phủ nhận được một điều là Việt Nam vẫn còn nằm trong số các nước nghèo trên thế giới.
Và điều đáng suy nghĩ là cũng không thể phủ nhận một thực tế có một bộ phận người Việt nằm trong số những người xài sang nhất thế giới!
Một báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy 20% số người giàu nhất Việt Nam đã chiếm tới 43,3% tổng chi tiêu của cả nước, trong khi nhóm 20% người nghèo nhất chỉ chiếm 7,2%. Điều này cho thấy mức độ chênh lệch ghê gớm trong cán cân chi dùng ở các bộ phận dân cư trong xã hội.
Một bộ veston nhãn hiệu Valentino trị giá 20 triệu đồng, những chiếc túi xách đắt tiền Louis Vuitton trị giá 2500 USD có thể dễ dàng biến khỏi những kệ trưng bày trong các siêu thị khi những tay chơi nổi hứng mua sắm.
Những chiếc ô tô đắt tiên nhất thế giới như Phantom của Rolls-Royce hay Maybach, Bentley đã đổ bộ vào Việt Nam và tổng số xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên, bất chấp việc Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu.
Rất nhiều nhãn hiệu hàng xa xỉ trên thế giới như Calvin Clein, Geox, Yves Saint Laurent, Timberland, Guess, Boss, Lacoste...đã tìm thấy nơi một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam một tiềm năng tiêu tiền hầu như vô tận!
Điều đáng nói là việc chi dùng của một bộ phận những người giàu không giúp ích cho việc đẩy mạnh sản xuất trong nước trong bối cảnh cần phải kích cầu mạnh mẽ như chủ trương của Chính phủ hiện nay, bởi vì hầu hết các hàng hóa mà những người “ăn chơi không sợ mưa rơi” này mua sắm đều là hàng xa xỉ, nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong thời điểm bão giá, khi mà tình hình kinh tế của Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, việc chi tiêu hoang phí không những không giúp ích gì cho đất nước mà trái lại, còn làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Nói một cách khác, tiêu dùng xa xỉ, mua hàng nhập khẩu đã tạo nên một gánh nặng cho nền kinh tế đất nước, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Việt Nam đang ở mức cao.
Bởi vậy nên một mặt, cần khuyến khích người dân tiêu dùng nhằm thúc đẩy nhu cầu sản xuất trong nước, tạo ra hình ảnh “người tiêu dùng thông minh”, biết chi dùng những gì có lợi cho mình và cho cả xã hội. Mặt khác, cần phê phán thói quen tiêu xài hoang phí, bởi nó càng làm cho nền kinh tế của đất nước vốn có tỷ lệ người ở ngưỡng đói nghèo vẫn vào khoảng 22%, càng trở nên khó khăn hơn.
Và Tết đến, cũng cần kiên quyết hủy bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, đốt vàng mã mà theo ước tính, hàng năm tiêu phí lên đến nhiều tỷ đồng.
Có như thế thì chủ trương kích cầu của Chính phủ mới thật sự đi vào đời sống, và người dân có một cái Tết Nguyên đán an lành, hạnh phúc.
Yên Ba