Các trang bị thế hệ thứ nhất và thứ hai là những thiết bị thông tin thô sơ, sử dụng công nghệ đèn điện tử, công nghệ bóng bán dẫn tương tự (Analog), dần được số hóa với các trang bị thế hệ thứ 3 sử dụng công nghệ Digital. Đến thế hệ thứ 4 ngày nay, đa phần các máy thông tin quân sự hiện đại sử dụng công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm-Software define radio (SDR).

Thông minh hóa

Tuy nhiên, với sự phát triển của các nền tảng phần cứng, xử lý hiệu năng cao, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)... cùng với yêu cầu các trang bị thông tin quân sự phải thông minh hóa để đối phó với các hình thức chế áp, tác chiến điện tử thì 5 đến 10 năm tới, trang bị thông tin quân sự thế hệ thứ 5 sẽ là xu hướng chủ đạo. Đây là các thiết bị sử dụng công nghệ vô tuyến thích nghi (Cognitive radio).

Nền tảng Cognitive radio dựa trên các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo/dữ liệu lớn và nền tảng tính toán hiệu suất cao, với các đặc trưng như: Dải tần rộng, băng thông rộng, tốc độ cao; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với các công nghệ như công nghệ học sâu (Deep learning), công nghệ học sâu tăng cường (Deep reinforcement learning) để thông minh hóa hoạt động của khí tài, thích nghi theo điều kiện môi trường, có khả năng tự động chống các dạng tác chiến điện tử phức tạp; khả năng nhận biết môi trường, giám sát phổ thông minh (intelligent spectrum sensing), tối ưu hiệu quả sử dụng phổ; nhảy tần thích nghi, điều chỉnh công suất, búp sóng, dạng điều chế... để duy trì kết nối, chống nhiễu, chống tác chiến điện tử.

Các loại máy thông tin quân sự do Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel nghiên cứu, sản xuất. 

Công nghệ nền tảng Cognitive radio giúp các trang bị thông tin quân sự thay đổi thích nghi thông minh với môi trường truyền sóng, thích ứng nhanh khi bị đối phương chế áp qua việc: Tự động phân tích, đánh giá chất lượng kênh truyền băng rộng theo thời gian thực, phát hiện khi bị chế áp; lựa chọn kênh truyền không sử dụng, kênh không bị chế áp để truyền tin; thay đổi các tham số hoạt động phù hợp với sự thay đổi nhiễu của môi trường phức tạp mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Với nền tảng công nghệ Cognitive radio, các hệ thống thông tin quân sự hiện đại hướng đến xây dựng các hệ thống ngày càng thông minh hóa, có thể tự động lựa chọn chế độ hoạt động đạt được hiệu quả truyền tin và chống chế áp tối ưu. Các quốc gia mạnh về khoa học quân sự trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc... đã và đang triển khai nhiều dự án nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới theo xu hướng này.

Viettel xây dựng nhiều sản phẩm thế hệ mới với các công nghệ lõi hiện đại

Nắm bắt xu hướng phát triển các trang bị thông tin quân sự thế hệ tiếp theo trên thế giới, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) đã xây dựng lộ trình và chiến lược phát triển với mục tiêu ứng dụng các công nghệ mới để xây dựng nền tảng Cognitive radio tiên tiến (Wideband cognitive radio-WBCR) và phát triển các dòng sản phẩm thông tin hiện đại dựa trên cơ sở nền tảng thông tin thế hệ mới.

Nền tảng WBCR được phát triển dựa trên các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nền tảng phần cứng hiệu suất cao hướng đến xây dựng các sản phẩm thông tin quân sự thế hệ mới với các công nghệ lõi hiện đại như sau:

Công nghệ cảm nhận phổ thay đổi tham số hoạt động thích nghi theo môi trường, nhảy tần thích nghi: Giám sát phổ băng rộng, ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để tự động đánh giá môi trường phổ băng rộng, tự động điều chỉnh chế độ hoạt động của thiết bị thông tin (dạng điều chế, code rate, nhảy tần thích nghi...) thích nghi theo điều kiện phổ cảm nhận được sử dụng các thuật toán học sâu để chống tác chiến điện tử và tối đa hóa hiệu quả truyền tin.

Công nghệ MANET băng rộng, tốc độ cao: Giao thức kết nối MANET băng rộng, truyền tin song công tốc độ cao, hỗ trợ truyền video, định tuyến qua nhiều node.

Công nghệ waveform hiệu năng cao, băng rộng: Truyền tin với băng thông rộng, sử dụng các dạng điều chế có hiệu suất sử dụng phổ cao; tự động điều chỉnh chế độ mã hóa, tỷ lệ code rate thích nghi theo từng môi trường truyền nhận dữ liệu; nhảy tần bảo mật tốc độ cao. 

Dựa trên nền tảng hệ sinh thái WBCR thế hệ mới, VHT đã xây dựng định hướng phát triển các trang bị thông tin quân sự tầm nhìn đến năm 2025, với các sản phẩm hướng đến là những sản phẩm thông tin bao phủ dải tần rộng, trang bị từ cấp chiến thuật đến cấp chiến dịch, chiến lược, đa dạng chủng loại từ các trang bị cầm tay, vác vai, trang bị mặt đất, trang bị lắp trên tàu, xe cơ động, thông tin vệ tinh...

Bài và ảnh: HẢI BẮC