Sản phẩm hỗ trợ người lính (man-pack): Các sản phẩm TCĐT man-pack thường được sử dụng ở cấp chiến thuật, nhằm cung cấp những thông tin tình báo trên thực địa để hỗ trợ quá trình ra quyết định tác chiến. Một số sản phẩm TCĐT man-pack trên thế giới bao gồm: ESM/ELINT Man-pack System (ARES-2LC/T) của hãng Aselsan (Thổ Nhĩ Kỳ), RESOLVE Man-Pack của hãng Roke (Anh)...

Hệ thống trinh sát tín hiệu thụ động trên mặt đất: Thực hiện các chức năng giám sát phổ tần số, phát hiện, ước lượng tham số, phân tích, phân loại, định hướng, định vị, bắt bám và nhận dạng các loại mục tiêu phát tín hiệu sóng điện từ trong dải tần thiết kế. Một số hệ thống trinh sát tín hiệu thụ động trên mặt đất bao gồm:

Hệ thống trinh sát tín hiệu thông tin liên lạc: Có nhiệm vụ trinh sát các nguồn phát xạ tín hiệu thông tin liên lạc trong dải tần giám sát, với một số sản phẩm là hệ thống giám sát phổ của R&S (Đức), hệ thống Blackbird của TCI (Mỹ), hệ thống VSI-3 và VSM-1S của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội-Viettel (Việt Nam)...

leftcenterrightdel
Hệ thống tác chiến điện tử V-ELINT 18 của Viettel. Ảnh: MAI LINH 

Hệ thống trinh sát tín hiệu radar: Có nhiệm vụ trinh sát các nguồn phát xạ tín hiệu radar trong dải tần giám sát, với một số sản phẩm nổi tiếng là: Hệ thống VERA-NG của hãng ERA (Cộng hòa Séc), hệ thống Kolchuga (Ukraine), hệ thống V-ELINT 18 của Viettel (Việt Nam)...

Hệ thống radar thụ động là một dòng các sản phẩm radar thụ động, thực hiện chức năng phát hiện và định vị mục tiêu dựa trên việc phân tích những tín hiệu phản xạ từ các nguồn phát tín hiệu quảng bá (ví dụ FM, DAB, DVB-T). Một số hệ thống radar thụ động trên thế giới bao gồm Silent Sentry (hãng Lockheed Martin, Mỹ), HA100 (Thales, Cộng hòa Pháp)...

Hệ thống chế áp điện tử trên mặt đất: Chế áp điện tử bao gồm các biện pháp và hoạt động làm tê liệt hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng các phương tiện điện tử của đối phương. Các sản phẩm chế áp điện tử có thể phân thành 3 loại: Các sản phẩm chế áp tín hiệu thông tin liên lạc, các sản phẩm chế áp tín hiệu radar và các tổ hợp chế áp tầm xa với công suất lớn. Các tổ hợp chế áp tầm xa với công suất lớn bao gồm các tổ hợp trinh sát và chế áp tầm xa với công suất tín hiệu lớn, chủ yếu được nghiên cứu và phát triển bởi Nga và các nước Đông Âu. Một số tổ hợp chế áp nổi tiếng bao gồm: Tổ hợp R-330ZH Zhitel của hãng Protek (Nga), tổ hợp Krasukha-4 của Viện “Gradient” (Nga)...

Hệ thống TCĐT trên tàu chiến: Các hệ thống TCĐT trang bị trên tàu chiến có chức năng giám sát, phát hiện, cảnh báo, định hướng, nhận dạng và chế áp các phương tiện điện tử của đối phương, bao gồm các tín hiệu thông tin liên lạc, tín hiệu radar dẫn đường, tín hiệu radar đầu tự dẫn hay tín hiệu radar trên các loại máy bay trinh sát. Một số hệ thống TCĐT cho hải quân trên thế giới, ví dụ như Hệ thống AN/SLQ-32 (V) được trang bị trên tàu chiến của hải quân Mỹ; Hệ thống ALTESSE-H là hệ thống trinh sát tín hiệu thông tin trang bị trên tàu chiến được nghiên cứu và phát triển bởi hãng Thales (Pháp).

Máy bay TCĐT: Hệ thống TCĐT trang bị trên các máy bay có chức năng thu thập tín hiệu, phân tích và nhận dạng mục tiêu, cung cấp cảnh báo radar (gồm radar cảnh giới, radar khóa mục tiêu), định hướng các nguồn phát tín hiệu, định vị các nguồn phát tín hiệu trên mặt đất, phát hiện và bắt bám đồng thời nhiều máy bay, tấn công điện tử với công suất lớn, và cuối cùng là tấn công bằng hỏa lực. Một số loại máy bay TCĐT nổi tiếng trên thế giới bao gồm: Máy bay trinh sát và gây nhiễu chiến thuật EA-6B Growler (Northrop Grumman, Mỹ), máy bay cảnh báo sớm A-100 (Nga) và E-3A (Mỹ), máy bay do thám tầm cao U-2 (Lockheed Martin, Mỹ), máy bay TCĐT không người lái RQ-180 (Mỹ)...

Bài và ảnh: MAI LINH