QĐND Online - Ngày 30-7, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Đại tá Hà Mạnh Tường, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm.


Các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; PGS,TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Đinh Xuân Dũng,  Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương... cùng nhiều đại biểu là cán bộ cấp cao, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, đại biểu giới trẻ trong và ngoài quân đội tham gia tọa đàm. Các đồng chí: TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân và nhiều chuyên gia gửi tham luận tham gia tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, Đại tá Hà Mạnh Tường, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhận định: Trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Đặc biệt là trước dịp Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta càng gia tăng cả về cấp độ, mật độ, tần suất và liều lượng. Một trong những thủ đoạn chúng ráo riết thực hiện là lợi dụng internet, mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân và Quân đội”.

Nhận diện thông tin xấu, độc

Mở đầu tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh, buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn góp phần nhận diện, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trước thềm Đại hội Đảng các cấp; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hành động chống phá đó.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn phát biểu tại tọa đàm.

Là đại biểu phát biểu đầu tiên, PGS, TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đánh giá: Tại Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta đã có một nhận định rất quan trọng: “Trong thế kỷ XXI đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt”. Đến nay nhận định này vẫn giữ nguyên giá trị. Mặt trận nóng bỏng, quyết liệt của cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa. Các thế lực thù địch đang tăng cường sử dụng nhiều lực lượng, phương tiện, bằng nhiều con đường với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chống phá ta trên các hướng chủ yếu như: Chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và của cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường loan tin vu cáo, bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta; xuyên tạc tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta; tăng cường truyền đạo trái phép nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm quần chúng của ta và kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất dân tộc quốc gia; đẩy mạnh các hành động “đế quốc thông tin”, “xâm lăng văn hóa” để áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống của nước ngoài, phá hoại bản sắc văn hóa của dân tộc. Đáng chú ý, thông qua mạng internet, thông qua các kênh chiếu phim, các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí, hệ thống xuất bản phát hành để truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực…

PGS, TS Đào Duy Quát, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương là người đầu tiên phát biểu tại tọa đàm.

Đại tá Đặng Ngọc Tuyến, Phó cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin Truyền thông nhất trí cao với ý kiến của PGS, TS Đào Duy Quát và bổ sung: Thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch đã huy động hàng trăm đài phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, báo mạng điện tử để chống phá cách mạng Việt Nam một cách quyết liệt. Nhiều tổ chức đoàn thể độc lập, tổ chức “xã hội dân sự” được thành lập để đối đầu với các đoàn thể, tổ chức chính thống trong nước. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường phản bác các quan điểm sai trái, không để tán phát tài liệu sai trái, vô hiệu hóa các tài liệu phản động; các cơ quan báo chí cần tuyên truyền định hướng dư luận; tham mưu cho các đơn vị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật… Đó là những giải pháp để ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc.

Đến dự hội nghị, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tâm đắc: Báo Quân đội nhân dân luôn là cơ quan báo chí dũng cảm đấu tranh trực diện với các thông tin sai trái, thù địch. Việc mở cuộc tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương: "Cuộc tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch".

Lưu ý công tác đấu tranh chống các thông tin sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh lưu ý: Lĩnh vực văn học nghệ thuật là công cụ tinh tế, nhạy cảm, tác động hàng ngày hàng giờ đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, nhân dân ta. Các thế lực thù địch cũng nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này, tiến hành chống phá cách mạng nước ta rất quyết liệt. Thời gian qua, họ gia tăng phát hành những bộ phim, những cuốn tiểu thuyết, những công trình nghiên cứu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc bản chất cách mạng của Đảng và chế độ ta; tập hợp các văn sĩ bất mãn để liên tục cho ra đời những sản phẩm văn hóa độc hại. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí phải tăng cường thông tin chính thống, bám sát nhu cầu thông tin của độc giả, thính giả, khán giả để kịp thời đưa thông tin chính thống, chính xác.

Các thủ đoạn thông tin xấu độc

“Làm thế nào để nhận diện tin xấu độc trong môi trường thông tin trên Internet hiện nay?” là vấn đề được PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu ra trong buổi tọa đàm. Ông cho rằng: Thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu phản động, sai trái. Thông tin do các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tạo nội dung và truyền bá nhằm mục tiêu chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.

PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: "Thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật...".

Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận, các thế lực và các nhóm người này có thể tạo dựng các trang website cá nhân, lập diễn đàn, lập các trang fanpage để tạo nội dung, chia sẻ và trích dẫn ở khắp nơi trong môi trường truyền thông trên Internet. Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu tiên, những phần tử quản trị các trang web, các diễn đàn này rất nỗ lực tổng hợp tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ khách quan. Khi đã có thu hút một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ - ít đọc báo in, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội - dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch và phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc trên các trang mạng và các diễn đàn đã nêu trên.

Dẫn giải nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta; đặc biệt là Chỉ thị 46 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phòng, chống thông tin xấu độc; PGS, TS Đinh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chỉ ra 9 con đường gây tác hại của văn hóa xấu độc. Đồng chỉ kể lại trường hợp một nữ sinh viên  vì “cuồng thần tượng” một ban nhạc Hàn Quốc, quay lại có lời lẽ thô tục, hỗn láo, phỉ báng cả ông bà, bố mẹ để nhấn mạnh tác hại khôn lường của thông tin xấu độc.  

PGS, TS Đinh Xuân Dũng dự báo: Trong những năm tới, sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn...

PGS, TS Đinh Xuân Dũng dự báo: Trong những năm tới, sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng trở nên tinh vi hơn. Mức độ tác động của sản phẩm độc hại có chiều hướng sâu rộng hơn, len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội, trong đó, đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất vẫn là thanh niên. Ở đâu nhiều sản phẩm độc hại tác động đến con người thì ở đó cái lạc hậu, cái xấu, cái giả dối, cái sai, cái ác sẽ lấn át. Cần có những chiến dịch khắc phục, loại bỏ trong đời sống xã hội những sản phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức, mở đường cho xã hội phát triển, vươn tới cuộc sống văn minh và hạnh phúc. Cần gióng lên tiếng chuông cảnh báo, đòi hỏi các nhà quản lý, các tổ chức xã hội, nhà trường, các bậc phụ huynh hãy cảnh giác và có biện pháp tích cực, triệt để và kiên quyết hơn nhằm loại trừ các sản phẩm độc hại này. Sự tiếp cận, sử dụng và truyền bá những sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy, không chỉ ở những người có trình độ học vấn thấp, mà trái lại, đa phần những người biết sử dụng hệ thống internet đều có trình độ học vấn nhất định. Việc xâm nhập các sản phẩm văn hóa diễn ra song song từ hai quá trình vừa là yếu tố tất yếu của giao lưu, hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, vừa là hệ quả của âm mưu thù địch chống phá Nhà nước ta nên các giải pháp hạn chế tác hại đều phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, kiên quyết bằng nhiều bước đi thích hợp trong từng giai đoạn. Đó là yêu cầu cấp thiết trong những năm tới.

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trần Thị Thúy khiến hội trường chú ý bởi những phân tích qua góc nhìn tuổi trẻ về thông tin xấu độc.

Là đại biểu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nữ sinh viên Trần Thị Thúy khiến hội trường chú ý bởi những phân tích qua góc nhìn tuổi trẻ về thông tin xấu độc. Được Đại tá Nguyễn Kim Tôn giới thiệu phát biểu, sinh viên Trần Thị Thúy cho rằng: Những âm mưu và thủ đoạn ấy, vừa tinh vi, vừa trắng trợn... Công chúng từ chỗ bán tín, bán nghi sẽ tò mò, truy cập vào các trang blog, facebook và các tờ báo điện tử phản động nhiều hơn, tin hơn vào những thông tin xấu độc mà họ cài đặt, xuyên tạc đầy ác ý nhằm vào Việt Nam.

Sinh viên Trần Thị Thúy bày tỏ: Một thủ đoạn khác đang phát huy tác dụng là việc các thế lực thù địch lợi dụng những “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng. Bởi lẽ, các báo chí chính thống trong nước, khi đưa tin nào đều phải trải qua quá trình tiếp cận thực tế, kiểm định nguồn tin, biên tập kỹ lưỡng thì mới xuất bản được. Quy trình đó tốn không ít thời gian. Thậm chí, để bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính toán lợi ích nhiều chiều của dân tộc, cộng đồng xã hội và bản thân nhân vật, nhiều báo điện tử trong nước có thể chậm đưa tin về một vấn đề cụ thể nào đó. Chẳng hạn như vấn đề sức khỏe của đồng chí Nguyễn Bá Thanh trước đây. Khi đồng chí bị ốm nặng, tiên lượng về sức khỏe là một khoa học, rất khó đoán trước, cho nên các báo chính thống phải cân nhắc thận trọng kỹ lưỡng mới có thể đưa tin; các nhà y học dự đoán cũng có thể chưa chính xác nên càng thận trọng hơn khi phát ngôn… các blog, facebook phản động thì không phải chịu sức ép đó, nên họ ra sức bịa đặt, chế biến, nhào nặn, sơn phết… về vấn đề này. Đây là một ví dụ rất điển hình về sự xuất hiện của khoảng trống thông tin, mà về lâu dài là khó khắc phục. Giới trẻ cần thận trọng khi tiếp xúc với những thông tin này. Bởi đọc càng nhiều, càng mất niềm tin vào lịch sử, hiện tại và tương lai, dẫn tới tâm lý bi quan tiêu cực, chán nản, xao lãng học hành; thậm chí là bước vào con đường lầm lạc như Lê Thị Công Nhân, Phương Uyên.

Phải định hướng cho thanh niên

PGS, TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, trong phát biểu của mình đã nêu thực trạng tác động của thông tin xấu độc đến đội ngũ sinh viên hiện nay. Ông cho biết, ngay trong sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội cũng xuất hiện một vài trường hợp bị “nhiễm độc”, xao lãng học hành, suốt ngày chỉ lo truy cập mạng đọc thông tin xấu độc, quay ra nói xấu, chê bai lịch sử cha ông, tham gia tuyên truyền nói xấu Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

PGS, TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, trong phát biểu của mình đã nêu thực trạng tác động của thông tin xấu độc đến đội ngũ sinh viên hiện nay.

Trước tình hình đó, Ban giám hiệu Nhà trường đã giao nhiệm vụ thường xuyên cho Phòng Công tác chính trị và sinh viên, đồng thời thành lập Ban chuyên trách về công tác tư tưởng sinh viên. Ban chuyên trách có nhiệm vụ phối hợp và giữ mối liên lạc thường xuyên với các đơn vị chức năng để kịp thời giải quyết các công việc liên quan đến tư tưởng sinh viên. Đảng ủy Nhà trường cũng tăng cường chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề qua đó lồng ghép nội dung tìm hiểu về pháp luật, tình hình chính trị trong nước và thế giới cho đoàn viên, sinh viên. Định hướng các hoạt động Đoàn – Hội ngày càng đi vào chiều sâu, tạo phong trào thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt trong đoàn viên, sinh viên. Hàng năm, Viện Đại học Mở Hà Nội đều tổ chức Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo Nhà trường với sinh viên. Qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp các thắc mắc của sinh viên, nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo môi trường học tập thân thiện. Cũng qua diễn đàn này, lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội có cơ hội tiếp xúc và gửi các thông điệp của Nhà trường cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tới đông đảo sinh viên.

Đại tá Phạm Thanh Quý, Trưởng phòng Khoa học Xã hội & Nhân văn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị phát biểu tại tọa đàm.

Đồng tình với các biện pháp mà PGS, TS Lê Văn Thanh nêu ra, Đại tá Phạm Thanh Quý, Trưởng phòng Khoa học Xã hội & Nhân văn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã nêu ra những biện pháp mà Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo toàn quân thực hiện. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nhận thức đầy đủ về bản chất của “Diễn biến hòa bình” và tác hại của nó đối với việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhận thức nhiệm vụ, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, yêu cầu về phẩm chất, nhân cách, ý thức tổ chức kỷ luật của người quân nhân cách mạng trong xây dựng đơn vị; sử dụng và phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền hình, hệ thống truyền thanh nội bộ và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng trong công tác tuyên truyền giáo dục… Cùng với đó là mở rộng và phát huy dân chủ trong đơn vị, nắm, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, kỷ luật và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ; quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, giải quyết tốt các mối quan hệ cán binh trong đơn vị, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa của người quân nhân cách mạng trong đơn vị. Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động VHVN, TDTT giờ nghỉ, ngày nghỉ, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở, tổ chức và hoạt động của phòng Hồ Chí Minh, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả các mô hình, biện pháp quản lý giáo dục rèn luyện quân nhân..., tạo môi trường lành mạnh và sự “miễn dịch” trước các thông tin xấu độc xâm nhập vào đơn vị.

Báo chí cần vào cuộc tích cực hơn

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn điểm lại một số tham luận tiêu biểu của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu gửi đến tọa đàm, như tham luận của GS, TS  Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương); TS Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; hay các đại biểu đến dự tọa đàm TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền; Thượng tá Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Sư đoàn 308; Đại úy Trần Thu Hương (Binh chủng Thông tin Liên lạc)…
"Tham luận của GS.TS Hoàng Chí Bảo về vấn đề: “Khẳng định tính tất yếu về vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền của Đảng ta”; tham luận của TS. Trương Minh Tuấn về việc "nhận diện các thông tin sai trái, độc hại trên mạng  internet hiện nay" hay tham luận của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa về vấn đề “Mạng xã hội và những vấn đề cần cảnh báo giới trẻ”... và nhiều tham luận khác là những tham luận rất công phu, rất có giá trị trong việc làm rõ chủ đề, đề xuất các biện pháp khả thi trong phòng, chống thông tin xấu độc. Ban tổ chức chúng tôi sẽ biên tập thành tài liệu sử dụng lâu dài trong công tác tuyên truyền về sau" - Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn đánh giá: Cuộc Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng” do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm PT-TH Quân đội đã hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu đề ra.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn đánh giá: Cuộc Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng” do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm PT-TH Quân đội đã hoàn thành tốt mục đích, yêu cầu đề ra. Các tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường đã phân tích, lý giải, làm rõ thêm những thông tin sai trái, độc hại của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Những thông tin xấu độc này do các thế lực thù địch chủ mưu thực hiện là sự phản ánh sai lệch sự thật, chủ ý bóp méo, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả, nhằm lừa bịp, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi thông tin sai trái, độc hại, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn đã tổng hợp các giải pháp mà các đại biểu nêu ra như: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nhận thức đầy đủ về những thông tin xấu độc và tác hại của nó đối với việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, từ đó xây dựng lòng tin cho bộ đội vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Chủ động, tích cực xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường cách mạng đúng đắn cho cán bộ, chiến sĩ quân đội; Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục chính trị nhằm củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, chặn lọc, bóc gỡ, vô hiệu hóa, hạn chế sự lan truyền của các thông tin xấu độc vào các đơn vị quân đội; Mở rộng và phát huy dân chủ trong đơn vị, nắm, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, kỷ luật và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, giải quyết tốt các mối quan hệ cán binh trong đơn vị, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa của người quân nhân cách mạng trong đơn vị, v.v…

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn kết luận tại buổi tọa đàm.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh: Một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng chống hiệu quả thông tin xấu độc là cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực của Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc tuyên truyền, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa.

“Phòng chống thông tin xấu độc là “cuộc chiến” lâu dài, do vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, bền bỉ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng. Trong đó cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin chính thống chính xác, tin cậy, định hướng tốt dư luận xã hội; đồng thời chủ động nhận diện, phê phán, phản bác, làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh việc chăm lo xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội lành mạnh, điều quan trọng nhất là phải chú trọng giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao sức “tự đề kháng, tự miễn dịch” thông tin xấu độc cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội cần nắm chắc nội dung Văn bản số 980/CT-TH ngày 3-6-2015 của Tổng cục Chính trị để chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời ngăn chặn những thông tin xấu độc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Quân đội trước Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng"- Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh.

 

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn mong rằng, sau buổi tọa đàm này, các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường tiếp tục theo dõi, tích cực cộng tác với Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm PT-TH Quân đội trong việc cung cấp thông tin, tham gia viết bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”; làm tốt việc định hướng dư luận, xây dựng niềm tin lành mạnh cho công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

HỒNG HẢI – XUÂN DŨNG – PHÚC THẮNG (thực hiện)