Nằm ở Đông-Nam Âu, bắc bán đảo Balkan, Romania có biên giới chung với Ukraine, Moldova ở phía đông và bắc, với Hungaria ở phía tây, với Serbia ở phía tây nam, với Bulgaria ở phía nam. Romania có diện tích rộng hơn 238.390km2, với dân số khoảng 22,2 triệu người.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tình hình chính trị ở Romania ngày nay ổn định. Romania đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 29-3-2004 và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-1-2007. Hiện Romania là Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2019.

Về kinh tế, từ năm 2000, nền kinh tế Romania liên tục tăng trưởng tốt, GDP năm 2008 tăng 8%. Từ cuối 2008, Romania bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, buộc phải áp dụng chính sách khắc khổ và nhờ sự trợ giúp (20 tỷ euro) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và EU. Năm 2009, kinh tế Romania sụt giảm gần 8%, năm 2010 giảm 1,2%, tuy nhiên từ năm 2011 đã tăng trưởng trở lại (chủ yếu nhờ xuất khẩu).

Trong chính sách đối ngoại, Romania hiện ưu tiên hội nhập sâu vào EU (trong đó có việc gia nhập Hiệp ước Schengen), quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, ngoại giao năng lượng và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Romania coi trọng phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với Nga, quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông và Trung Á. Romania hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, như: Liên hợp quốc (LHQ), NATO, OECD…

Việt Nam và Romania thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất sớm, vào ngày 3-2-1950. Từ năm 1950 đến 1989, Romania đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi Romania thay đổi chế độ chính trị (tháng 12-1989), hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Trải qua những biến cố lịch sử, đến nay, quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tích cực. Trao đổi đoàn ở các cấp diễn ra thường xuyên trên tất cả các kênh nhà nước, quốc hội, địa phương… Hai bên hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ và trong khuôn khổ ASEM.

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2008, tổng kim ngạch thương mại của hai nước đạt 79 triệu USD thì sau 10 năm, con số này lên tới 218,3 triệu USD. Việt Nam xuất sang Romania 146,8 triệu USD, bao gồm các mặt hàng chủ yếu như: Cà phê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính. Trong khi đó, Romania xuất sang Việt Nam các mặt hàng như: Hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ…

Về đầu tư, tính đến hết năm 2017, Romania có 3 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 2,1 triệu USD. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh năm 2011, nhân chuyến thăm của Quốc vụ khanh Quốc phòng Romania, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Một trong những “điểm sáng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Romania là hợp tác về giáo dục-đào tạo. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và thể thao, theo đó hằng năm, Romania cấp cho Việt Nam 10 học bổng đại học và trên đại học. Ngày 18-7-2013, nhân chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Romania, hai bên đã ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2013-2016. Từ năm 2006, Chính phủ Romania đã thiết lập chương trình cấp học bổng “Ionesco” đào tạo tiến sĩ cho các nước Pháp ngữ, trong đó có Việt Nam. Tháng 10-2006, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Petroconsult của Romania đã ký hợp đồng đào tạo nhân lực và vận hành thử Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo đó, 60 cán bộ kỹ thuật của nhà máy được tu nghiệp một năm tại Romania và 56 chuyên gia Romania đã sang làm việc tại nhà máy trong giai đoạn vận hành thử. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2003-2009, Romania đã đào tạo cho Petrovietnam 35 kỹ sư dầu khí. Hiện nay, khoảng 50 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Romania. 

Với nền tảng quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với Romania, chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo... Nhân dịp này, hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và Romania, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai nước, tạo bước chuyển biến mới, thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch đến nông nghiệp, hợp tác lao động, hợp tác giữa các địa phương.

QĐND