Nằm ở phía bắc lục địa Á-Âu, nước Nga có diện tích rộng lớn, hơn 17,125 triệu km2 với dân số hơn 146,880 triệu người. Kể từ khi Tổng thống Nga V.Putin lên nắm quyền (năm 2000), tình hình chính trị-xã hội Nga dần đi vào ổn định; kinh tế phục hồi và phát triển. Vai trò của nhà nước và chính quyền Trung ương được tăng cường, xu thế ly khai bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Hiện nay, Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên G20, BRICS cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Trong chính sách đối ngoại của Nga, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí quan trọng. Nga tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực, như: APEC, Cấp cao Nga-ASEAN, EAS, ARF, ASEM, ADMM+…; tăng cường hợp tác song phương với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và với LB Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của thời đại. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 30-1-1950, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2013. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12-1991), quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và LB Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Việc ký hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga ngày 16-6-1994 nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới LB Nga tháng 8-1998 tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Và khuôn khổ quan hệ Việt-Nga trong thế kỷ 21 đã được chính thức hóa bằng việc ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (từ ngày 28-2 đến 2-3-2001). Ngày 27-7-2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp cục, vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, như: Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN…
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-LB Nga thời gian qua phát triển năng động. Thương mại hai chiều hai nước đã tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10-2016. Việc triển khai hiệp định này sẽ là cơ hội tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện LB Nga đứng thứ 26 về thị trường xuất khẩu và thứ 22 về thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-LB Nga đạt 3,5 tỷ USD. Về đầu tư, hiện Nga đứng thứ 22/117 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký khoảng 990 triệu USD (trong đó phải kể đến Vietsovpetro, Vietgazprom). Đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, năng lượng, khai khoáng, giao thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản... Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 23 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp...
Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. LB Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Nga cũng trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch Việt Nam.
Một trong những “điểm sáng” hợp tác giữa hai nước chính là giáo dục-đào tạo. Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 sinh viên du học tại Nga. Ngoài ra, hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ….
Chuyến thăm chính thức LB Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XII của Đảng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam sang Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái cử tháng 3-2018 và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới. Chuyến thăm lần này nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
QĐND