Mực nước sông Hồng có ngày xuống còn 1,12-1,16m. Ảnh: Phúc Thắng

QĐND Online - TS Nguyễn Lan Châu,phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, lũ tiểu mãn có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tuy nhiên, lượng nước từ lũ tiểu mãn không đủ cải thiện được tình hình thiếu hụt nước trầm trọng ở nước ta hiện nay...

Cùng với một số đợt mưa rào và dông xen giữa các đợt nắng nóng, lũ tiểu mãn, lũ sớm năm 2007 có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Đó là thông tin được bà Nguyễn Lan Châu, phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho chúng tôi biết chiều 3-5. Tuy nhiên bà cũng khẳng định, việc xuất hiện lũ tiểu mãn cũng chưa thể đáp ứng tình trạng thiếu hụt nước cho sản xuất cũng như sinh hoạt trên toàn quốc hiện nay, mà chỉ giúp “đỡ thiếu” một phần rất nhỏ mà thôi.

Trong thời gian qua, đã có một vài trận mưa nhưng lượng mưa không nhiều, không đủ bổ sung nguồn nước. Còn nước từ lũ tiểu mãn lại chủ yếu bay hơi hoặc thấm vào đất hết nên không đủ tạo ra các dòng chảy. Theo dự đoán của các chuyên gia Khí tượng, tháng 5 và tháng 6, dòng chảy ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều mức thấp.

Theo tính toán, ở Bắc Bộ, so với giá trị trung bình nhiều năm, dòng chảy trong tháng 5/2007 trên sông Đà tại Hòa Bình có khả năng thấp hơn từ 30-35%, sông Thao thấp hơn từ 30-35%, sông Lô thấp hơn 40%, sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn từ 30-35%.

Ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, dòng chảy giảm dần và ở mức thấp. Các khu vực ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông suối sẽ thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng thời kỳ năm 2006 từ 10-30%, ở Nam Bộ, mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20 cm.

Tình hình thiếu nước sẽ còn tiếp tục xảy ra cục bộ ở vùng núi Bắc Bộ đến đầu tháng 6. Ở Trung và nam Trung Bộ thiếu nước cục bộ tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 8 và tháng 9.

Bốn tháng đầu năm, hầu hết các dòng chảy trên hệ thống các sông ngòi ở Việt Nam đều ở mức thấp so với nhiều năm trước. Trên sông Đà thấp hơn từ 17-45%: Lưu lượng thấp nhất tháng 3 đo được là 145m3/s (31/3), tháng 4 là 140m3/s (ngày 4-5/4); mực nước trên sông Thao cũng thấp hơn từ 15-33%.

Tại hạ du sông Hồng, dòng chảy sông Hồng đoạn Hà Nội các tháng 1, 2, 3, thấp hơn trung bình nhiều năm. Riêng tháng 4, mực nước thấp hơn tới 49%. Theo các số liệu thống kê, mực nước trên sông Hồng sau đợt đổ ải đã xuống rất thấp, có những ngày xuống chỉ còn 1,12-1,16m (cụ thể: ở mức 1,12m hồi 19 giờ, ngày 23-3, 1, 38m lúc 7 giờ ngày 20-3, 1,16m lúc 19 giờ ngày 20-4. Những con số cho thấy, sông Hồng đang ở giai đoạn mực nước thấp nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.

Mực nước ở hồ Hòa Bình cũng giảm nhanh. Lúc 7 giờ ngày 26-2 là 110,41m, thấp hơn cùng kỳ năm 2006 khoảng 1,5m, lúc 7 giờ ngày 26-4 là 100,55m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 3,47m.

Ngoài ra, ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, dòng chảy tháng Hai trên hầu hết các sông suối đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-40%, một số sông ở Nam Trung Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm tới 55-80%.

Trong tháng 3 và tháng 4, các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuất hiện lũ nhỏ. Tuy nhiên, dòng chảy vẫn giảm dần và ở mức thấp. Trên các sông ở Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%.

Tình hình xâm nhập mặn sâu vào đất liền tới 20-30km diễn ra ở hầu hết các cửa sông thuộc Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ, có nơi sâu tới 60km.

Thu Hà – Kim Anh