QĐND - Trong mấy năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người Hà Nội lại thích chơi đào rừng. Với sở thích mới này, nhiều người dân thành phố vô tình đẩy đào rừng tới nguy cơ bị hủy diệt.

Bắt đầu có những chuyến xe mua đào rừng về Hà Nội.

 

Anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Vân Hồ, Mộc Châu là người trồng và bán đào lâu năm cho biết: “Đào rừng có 2 loại: Đào mốc, giống đào của người Mông, nụ ít, cành mập, hoa có màu hồng nhạt. Đào mốc thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối nên thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có một lớp rêu phủ. Loại đào này khó kiếm nhưng luôn được giá. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng”. 

Đi trên Quốc lộ 6, qua cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đoạn từ xã Lóng Luông đến địa phận thị trấn Mộc Châu, chúng tôi thấy người dân đã bắt đầu chuyển đào từ các ngả đường trong núi ra, bày bán cho du khách. Năm nay, đào rừng sẽ đắt hơn năm ngoái do đồng bào cũng nắm bắt được sở thích của người miền xuôi. Giá một cành đào rừng tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng, vẻ “phong trần”... càng nhiều rêu càng có giá. Tuy nhiên, việc khai thác đào rừng ngày càng nhiều vào mỗi dịp Tết đến đang khiến nhiều cây đào cổ thụ bị chặt phá, diện tích trồng đào rừng ngày càng bị thu hẹp. Cứ với lượng đào bị chặt bán ra như hiện nay, chẳng ai dám chắc vài ba cái Tết nữa, những cây đào mốc thân cổ thụ sẽ còn. 

Những vựa đào nổi tiếng ở Lóng Luông, Vân Hồ, Phiêng Luông nay đã vơi đi nhiều. Đào bị chặt hạ không kịp mọc trở lại để phục vụ thú chơi của người dân. Và năm nay, đã có người phải sang bên Lào mua đào mang về bán. Cửa khẩu Pa Háng, thuộc xã Lóng Sập, thị trấn Mộc Châu trở nên tấp nập với những xe chở đào rừng cao ngất ngưởng.          

Giống đào mốc nguyên chủng của người Mông đang hiếm dần. Nguyên nhân chính là việc khai thác bừa bãi thân và cành phục vụ nhu cầu chơi Tết của một bộ phận dân thành thị đã vô tình tiếp tay cho việc phá hoại môi trường, tàn phá rừng xanh. Để có thể hồi sinh cho những vườn đào đã làm nên bản sắc của vùng núi rừng phía Bắc, chính quyền địa phương cần có những biện pháp trong việc trồng mới, bảo vệ và khai thác đào hợp lý.

Bài và ảnh: HỒ THẠCH