Vùng Hồ Tây-Hồ Trúc Bạch trong tương lai sẽ là trung tâm của Hà Nội. Ảnh: Minh Trường

Gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Dự kiến trong chương trình làm việc của kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét Đề án này. Hà Nội là “trái tim thân yêu của cả nước”, vì thế Đề án mở rộng Thủ đô đã được bạn đọc của báo Quân đội nhân dân đặc biệt quan tâm.

Mở rộng Hà Nội không phải chỉ để tăng diện tích...

Mở rộng Hà Nội không phải chỉ để tăng diện tích mà là để xây dựng một thủ đô hiện đại”, đó là lời khẳng định của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong kỳ họp HĐND thành phố mới đây để xem xét và thông qua Nghị quyết về việc triển khai thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc họp này, sau những tranh luận khá thẳng thắn và sôi nổi tại hội trường, các đại biểu đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết theo như tờ trình của UBND Thành phố.

Phát biểu với các nhà báo bên lề kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, ông không bất ngờ khi các đại biểu HĐND đã thông qua nghị quyết với sự nhất trí cao như vậy vì đây là một chủ trương đúng và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc mở rộng là để Hà Nội sau này có điều kiện phát triển.

Ngày 28-3, trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân về Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đồng chí Vũ Hồng Khanh, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đó là công việc cần thiết “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lên gấp gần 4 lần so với hiện nayxuất phát từ nhu cầu xây dựng Hà Nội không chỉ trở thành trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, mà còn là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo...

Hồ Tây sẽ là trung tâm của Thủ đô

Năm 1010, thành Đại La - tức Hà Nội ngày nay được vua Lý Thái Tổ chọn định đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long, với lòng mong muốn kinh đô này ngày càng phồn thịnh, là chốn hội tụ của mọi miền đất nước. Qua gần 1000 năm tuổi, Thăng Long xưa - Hà Nội nay, luôn được xác định là Thủ đô, là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước.

Từng thời kỳ, trong lòng Hà Nội có vùng được xác định là trung tâm. Hiện nay, trung tâm Hà Nội được xác định là Hồ Gươm. Thế nhưng, theo Đề án mở rộng Hà Nội, trong tương lai, trung tâm Hà Nội phải là Hồ Tây. Đó là ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố phân tích: Trong tương lai, sông Hồng sẽ là trục không gian xanh, đô thị được bố trí phát triển dọc theo hai bên sông, từ Cổ Loa đến Mỹ Đình và các trục hành lang phía đông và tây. Với trục không gian đó, Hồ Gươm sẽ không còn đủ điều kiện để làm trung tâm Hà Nội như hiện nay nữa, trung tâm Hà Nội lúc đó phải là Hồ Tây.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc quy hoạch thành phố trong tương lai sẽ không đơn giản. Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm với phóng viên báo Quân đội nhân dân: “Thực tế Hà Nội hiện nay có diện tích hơn 900km2 nhưng chưa đô thị hóa hết. Trong khi đó các tỉnh xung quanh cũng phát triển đô thị, công nghiệp, khi đó đặt ra vấn đề là công nghiệp ở vùng ven phát triển nhưng dịch vụ vẫn phải dựa vào Hà Nội, không chỉ dịch vụ cho sản xuất mà còn cho đời sống, vì vậy nảy sinh nhu cầu kết nối. Mở rộng địa giới hành chính là một biện pháp kết nối nhưng có giới hạn là không thể cứ sáp nhập thêm mãi, cho nên có vùng có thể sáp nhập, có thể không sáp nhập nhưng nhu cầu kết nối là tất yếu. Hà Nội vẫn đang kết nối với những vùng xung quanh nhưng chưa đủ, chưa theo kịp được nhu cầu thực tế, nhiều vùng chỉ mới kết nối đường sá còn nhiều vấn đề khác chưa được kết nối. Vì thế hướng phát triển về lâu dài là phải hướng đến kết nối, phối hợp với những vùng ngoài địa giới”.

Bước đi chắc chắn và thận trọng

Theo các tài liệu còn lưu trữ ở UBND thành phố thì không phải bây giờ chúng ta mới xem

“Với việc mở rộng địa giới hành chính, quy mô diện tích, dân số cũng như khối lượng công việc của Thủ đô Hà Nội đều lớn hơn trước; yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội nặng nề hơn trước, đòi hòi đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành phải ra sức nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”.

(Trích ý kiến của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội)

xét việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội mà ngay từ thuở xa xưa, Thủ đô đã nhiều lần được mở rộng. Năm 1954, khi chúng ta tiếp quản, Hà Nội chỉ có diện tích 152km².

Năm 1961, Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội (lần thứ nhất) với diện tích 584km² và 91 vạn dân. Hà Nội sáp nhập 18 xã, 6 thôn và một thị trấn thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì (tỉnh Hà Đông); cả huyện Gia Lâm (gồm 15 xã), 14 xã khác và một thị trấn thuộc các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh); cả huyện Đông Anh (gồm 16 xã), một xã thuộc huyện Yên Lãng và nửa thôn thuộc huyện Kim Anh (tỉnh Vĩnh Phúc); một xã thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Năm 1978, Quốc hội lại quyết định mở rộng Thủ đô Hà Nội (lần thứ hai) với diện tích đất tự nhiên là 2.136km², dân số 2,5 triệu người gồm bốn khu phố nội thành, một thị xã và 11 huyện ngoại thành. Hà Nội lấy thêm 5 huyện và một thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phú (Mê Linh, Sóc Sơn).

Đến năm 1991, Quốc hội lại quyết định phân lại ranh giới của Thủ đô Hà Nội, trả 5 huyện và một thị xã đã lấy năm 1978 cho tỉnh Hà Tây và một huyện (Mê Linh) cho tỉnh Vĩnh Phú, Hà Nội còn bốn quận nội thành và năm huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên 924km².

Lần này, chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã được xem xét khá thận trọng. Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã thống nhất và chỉ đạo mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 260/CT-TTg ngày 4-3-2008 về vấn đề này. Ban chấp hành Đảng bộ, HĐND thành phố Hà Nội và các địa phương có diện tích sáp nhập vào Hà Nội đã và sẽ họp bàn về việc mở rộng địa giới Thủ đô. Đề án mở rộng Hà Nội sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và được quyết định tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, đến năm 2009 Thủ đô mới sẽ đi vào hoạt động.

Niềm vui và những băn khoăn

Qua thăm dò của phóng viên và cộng tác viên báo Quân đội nhân dân thì người dân Hà Nội và những vùng dự kiến sẽ được sáp nhập vào Hà Nội đều vui mừng trước sự kiện Hà Nội sắp được mở rộng. Tuy nhiên cũng có không ít người tỏ ý băn khoăn.

Chiều 28-3, trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân, tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Trên thế giới hiện nay có hai mô hình phát triển đô thị, một mô hình là mở rộng địa giới như Hà Nội đang làm hiện nay. Mô hình thứ hai là cụm đô thị. Ở nước ta theo dự báo chỉ hơn chục năm nữa, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và các đô thị ở giữa sẽ hình thành cụm đô thị. Chúng ta chọn phương án phát triển đô thị Hà Nội theo hướng mở rộng địa giới hành chính có thuận lợi là không phải phối hợp, tiện lợi cho việc tập trung quản lý. Mục đích nhập lại là để phát triển kinh tế, đó là cơ hội nhưng cũng đi liền với thách thức. Thách thức thứ nhất, đô thị nhập với một tỉnh nông nghiệp đặt ra vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng có vai trò quan trọng tương đương với phát triển đô thị. Số dân sản xuất nông nghiệp đông, chính quyền phải chăm lo cho bộ phận này, khi đó mức độ tập trung cho phát triển đô thị sẽ kém đi. Còn như hiện nay, vùng ngoại thành không lớn lắm nên có điều kiện tập trung phát triển đô thị. Sau khi sáp nhập, diện tích Hà Nội tăng gấp ba, dân số tăng gấp đôi cũng đặt ra đòi hỏi đối với năng lực quản lý khi bộ máy hành chính phải quản lý với quy mô rộng hơn, năng lực của cán bộ cũng phải được nâng lên thì mới đảm đương được công việc. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như thực hiện chính sách dân tộc, xoá đói giảm nghèo, chênh lệch giàu nghèo tăng lên, quản lý lưu vực sông, bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm. Tất cả những vấn đề đó đều đặt ra cấp thiết sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc mới đây, những khó khăn thách thức khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cũng được nhiều đại biểu đặt ra. Các đại biểu đều nhất trí và đồng tình với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, nhưng lộ trình thực hiện, công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch cũng như những thay đổi về văn hóa, dân số... sau khi sáp nhập cần phải được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm túc.

Phú Thọ Mạnh Hưng