“Hồ sơ tội ác” chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ rải xuống trong những năm chiến tranh xâm lược Việt Nam hiện lên rành rõ qua lời kể của các nhân chứng... Đó là một trong những thông điệp được phát đi từ chương trình giao lưu nghệ thuật “Công lý và trái tim” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) tối 8-8. Các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư và nhiều đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đến dự.
 |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi tại buổi giao lưu. Ảnh: TTXVN
|
Ý chí, nghị lực của các nạn nhân là “niềm tự hào Việt Nam”
Phát biểu tại chương trình giao lưu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã đi qua hơn 1/3 thế kỷ, nhưng những hậu quả nặng nề của chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn còn hoành hành, giằng xé gây nên những nỗi đau, những bất hạnh cho nhiều nạn nhân, cho nhiều gia đình. Chúng ta chia sẻ những nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam. Nhân dịp này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những người đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chúng ta mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đã mang trong mình hậu quả của chất độc da cam mà hôm nay còn di chứng đến đời con, đời cháu. Chúng ta thông cảm và chia sẻ nỗi đau với họ, nhưng đồng thời chúng ta cũng rất tự hào về họ. Họ có quyền ngẩng cao đầu và tự hào đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho công cuộc kháng chiến cứu nước. Và những đóng góp đó đã đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cảm ơn Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam cùng các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã hết lòng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đã một mặt chăm lo cuộc sống cho những nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ họ vượt qua nghịch cảnh đem lại niềm vui, sức sống mới cho từng gia đình, từng nạn nhân; mặt khác, còn tiếp tục đấu tranh để tìm công lý.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ, tuy còn nhiều gian nan, vất vả nhưng nhất định sẽ chiến thắng, vì chúng ta có niềm tin công lý. Đồng chí cũng cảm ơn Hội Luật gia dân chủ thế giới, một tổ chức tuy khó khăn về vật chất, nhưng có tấm lòng hết sức cao cả đã tổ chức Tòa án lương tâm thế giới ở Pa-ri để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đòi công lý...
Hồi ức những nỗi đau
Ông Mai Giảng Vũ, nguyên là chuyên viên kỹ thuật thuộc Phi đoàn 221, Sư đoàn 3 không quân ngụy (đóng tại Biên Hòa) - người đã tham gia thả những thùng chất độc da cam xuống các vùng đất của miền Nam Việt Nam trong chiến tranh kể lại: “Tháng 4-1971, tôi đi phi vụ cho Mỹ tại khu rừng tây bắc Thiện Ngôn, tỉnh Tây Ninh. Tôi được thông báo chuyến bay này sẽ đi thăm tiền đồn ở Củ Chi, nhưng lính Mỹ đã quăng lên máy bay những thùng có đai bằng nilông, mã số đề gì không rõ, có dấu chéo, cảnh báo nguy hiểm. Tôi được giao nhiệm vụ đến địa điểm nào họ hô “hot” (tiếng lóng) thì tôi phải đạp nắp thùng bật ra để chất bột trong thùng bay tung tóe khắp nơi. Họ nói với tôi đó là một loại thuốc diệt cỏ bình thường, tôi không cần phải quan tâm. Tuần sau, khi bay đến chiến trường Cam-pu-chia, ngang qua khu rừng này tôi đã giật mình khi thấy cảnh hoang tàn kỳ lạ, những cây cổ thụ cao chót vót cũng trụi lá, cỏ tranh chết không còn một vạt... Cảm giác lo âu, day dứt tội lỗi mơ hồ đã xuất hiện trong tôi”.
Và nỗi đau, niềm day dứt, oán hận chiến tranh mãi đeo đẳng suốt cuộc đời khi ba người con trai của chính ông đã chết bởi di chứng của chất độc da cam... Ông xót xa kể: “Khi sinh ra các cháu bình thường, nhưng cháu nào học đến lớp 3 cũng giở chứng không đi được nữa. Triệu chứng cả ba đều y hệt nhau, mới đầu đi liểng xiểng, sau đó ưỡn ngực, té lên té xuống, vịn tường đi, không vịn được chúng phải lết đi, sau đó ngồi không vững, 15 tuổi bắt đầu nằm một chỗ. Đầu óc vẫn bình thường nhưng teo cơ, chân tay không còn cảm giác. Cổ họng teo lại, thực quản hẹp rồi chết dần, chết mòn”.
Cho chúng tôi xem lại những bức ảnh các con, ông Vũ nói với giọng căm phẫn: “Nơi nào cần nhân chứng, tôi sẵn sàng đứng ra tường trình từng phi vụ. Tôi sẵn sàng kể lại. Tôi mong mọi người trong nước cũng như nước ngoài luôn ủng hộ để những nạn nhân da cam/đi-ô-xin đòi công lý. Tôi đã bị lừa dối và làm hại đồng bào. Không gì có thể làm vơi đi nỗi ân hận này”.
 |
Tiếng hát vơi đi nỗi đau.
Ảnh: MINH TRƯỜNG
|
Còn Phạm Thế Minh, người đại diện cho hơn 17.000 nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Hải Phòng và 4,8 triệu nạn nhân ở Việt Nam, dự phiên tòa đặc biệt của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế tại Pa-ri (Pháp), xét xử các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất da cam/đi-ô-xin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam vẫn chưa thể nào quên những ấn tượng đặc biệt của mình đối với phiên tòa: “Đó là phiên tòa có một không hai. Ông Jitendra Sharma, người Ấn Độ, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế kiêm Chánh tòa, 2 thẩm phán đều là người Mỹ.
Đến dự có rất đông các luật sư, nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, hóa học, y học, môi trường... đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Pháp, Nga, Nhật, Ru-ma-ni, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân... Do chưa quen thời tiết, đi đường xa, trong người lại mang bệnh, nên cả ba nhân chứng Việt Nam hôm ấy đều khá mệt mỏi. Nhưng giờ giải lao, kiều bào ta tại Pháp đến dự hôm đó nhiệt tình chăm sóc lo nơi ở, rồi mua đồ ăn, nước uống, thuốc bổ, thậm chí ngài Chánh án còn xuống tận nơi động viên thì tất cả đều thấy như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin hơn rất nhiều”.
Vững niềm tin công lý
Chương trình giao lưu đón những vị khách rất đặc biệt. Một trong số đó là Nguyễn Tuấn Linh, cán bộ Tỉnh đoàn Đồng Nai, người đã thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Linh cho biết: “Năm 2003, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bắt tay vào hành trình kiện đòi công lý ở Mỹ, và sau đó bị Tòa án Mỹ bác đơn, đã là một cú sốc đối với tôi. Tận mắt chứng kiến nỗi đau của những nạn nhân da cam/đi-ô-xin và gia đình họ. Kể từ đó, ý tưởng thực hiện một cuộc hành trình đến mọi miền của đất nước để vận động mọi người tham gia đấu tranh vì công lý cho những nạn nhân chất độc da cam đã manh nha trong tôi”.
Từ giữa năm 2008, ngày nào Linh cũng đeo ba lô tập đi bộ 4 - 5 giờ, bất kể nắng mưa, gió rét. Chặng đường hơn 1.900 cây số từ Biên Hòa đến Đền Hùng đã được Linh thực hiện trong 61 ngày. Đó là một hành trình đầy vất vả nhưng đã góp phần tích cực vào việc vận động mọi người trong xã hội tham gia ký tên vì công lý, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Anh đã thu được hơn 32.000 chữ ký, hơn 32.000 niềm tin rằng công lý sẽ chiến thắng.
Khâm phục Linh bao nhiêu, khán giả dự chương trình càng lặng đi bấy nhiêu khi nghe câu chuyện của bà Phùng Thị Hiển ở xóm Chùa, xã Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). Chồng bà Hiển là bộ đội bị phơi nhiễm chất độc da cam. Bốn lần sinh thì ba lần bà Hiển đau đớn chứng kiến cảnh các con bị khiếm thị bẩm sinh.
Kể về các con, bà Hiển nước mắt ngân ngấn: “Ngày bé, các con tôi đi chơi ngoài đường, có khi ngã cả vào đống phân mà không biết. Lớn lên, đứa nào mình mẩy tay chân cũng đầy sẹo”. Ông Khướng, chồng bà, sau khi phục viên hết làm công nhân lại đi phụ xây để đỡ đần vợ nuôi con nhỏ. Một lần ông bị ngã giàn giáo, chùn hai đốt cột sống. Anh không đi xây được nữa, chuyển qua nghề xe ôm, rồi lại bị tai nạn giao thông… Một mình bà bắt đầu hành trình hơn 20 năm lặn lội thân cò nuôi con ăn học.
Nỗi lo cơm áo làm trũng sâu thêm đôi mắt nhưng bà có quyền tự hào, một niềm tự hào không mấy người có được: Ba người con của bà đã thi đỗ đại học. MC Thảo Vân, người dẫn chương trình nói: “Niềm tự hào của bà cũng là biểu trưng sức mạnh ý chí của các nạn nhân chất độc da cam”.
Khán giả theo dõi chương trình vô cùng xúc động được nghe giọng hát của một trong ba người con chị Hiển. Anh đã tự đánh đàn và hát bài “Ngỏ lời” với một cảm xúc đặc biệt.
Cùng giúp nạn nhân chất độc da cam vững niềm tin công lý nhưng nữ sinh Đào Minh Phương - một cô gái Hà thành lại thầm lặng làm một công việc có ích. Phương kể: Năm 2001, khi là nữ sinh Trường đại học Thăng Long, cô tham gia trong đội sinh viên tình nguyện của trường hoạt động tại các trung tâm bảo trợ trẻ em chất độc màu da cam như: Làng trẻ Hòa Bình, Thanh Xuân, Làng hữu nghị Việt Nam...
Cô đã bị sốc khi tận mắt chứng kiến những nỗi đau mà các nạn nhân da cam phải chịu đựng. Từ sự chia sẻ, đồng cảm ấy, sự gắn bó giữa cô với các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam ngày càng khăng khít. Hiệp hội Sinh viên nhân ái đã ra đời ngày 2-9-2001 do Phương làm Chủ tịch. 8 năm qua, với nòng cốt là nhóm sinh viên Trường đại học Thăng Long, Hiệp hội của cô đã làm tất cả những gì có thể hướng đến ba đối tượng chính là nạn nhân chất độc da cam, trẻ lang thang cơ nhỡ và người tàn tật.
Khi biết chủ đề Cuộc thi ngày sáng tạo Việt Nam năm 2006 là: “Sáng tạo vì trẻ em và thanh thiếu niên khó khăn”, Phương đã dồn hết tâm huyết vào viết “Dự án Thanh thiếu niên chất độc màu da cam lập tổ hợp tự lực “ba trong một”. Dự án này đã nhận được 10.000USD tài trợ. Với số tiền ấy, Phương và các cộng sự bắt tay ngay vào việc xây dựng trung tâm nhân đạo và được Hiệp hội Khoa học Công nghệ ứng dụng tin học UIA đỡ đầu với tên Trung tâm Nhân đạo Tự Lực, đón các bạn trẻ là nạn nhân chất độc da cam và mồ côi về chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, khi nói về các nhân chứng tham gia giao lưu đã đánh giá: “Dù giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin theo những cách khác nhau nhưng bà Phùng Thị Hiển và các thành viên Đào Minh Phương, Nguyễn Tuấn Linh... đã cho chúng tôi một niềm tin mãnh liệt rằng: Trong cuộc đấu tranh vượt lên số phận và đòi lại công lý, các nạn nhân không bao giờ cô độc. Bên cạnh chúng tôi là toàn thể đồng bào và các tổ chức, bạn bè thế giới, đó chính là sức mạnh, là chỗ dựa của chúng tôi”.
HỒNG HẢI