Từ nhiều tháng nay, những người làm báo chúng tôi biết đồng chí Hoàng Tùng, do tuổi cao mà sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng khi biết đồng chí đã từ trần! Thế là Hoàng Tùng - một trong số ít ỏi nhà báo cuối cùng còn lại từng được Bác Hồ trực tiếp dạy bảo và đồng chí Trường Chinh dìu dắt vào con đường báo chí cách mạng đã ra đi mãi mãi, để lại sự mất mát lớn không chỉ đối với làng báo Việt Nam...
Hoàng Tùng, tên thật là Trần Khánh Thọ, người huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông cũng như tuyệt đại bộ phận các nhà báo thuộc thế hệ ấy, chẳng mấy ai xuất thân từ nghiệp báo, mà là những cán bộ cách mạng chuyên nghiệp...
 |
Nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: vietnam.vnanet.vn
|
Làng Tảo Môn nơi ông sinh ra không mấy xa làng Đại Hoàng, quê nhà văn Nam Cao. Hai ông cùng một thế hệ. Hoàng Tùng sinh năm 1920, chỉ kém Nam Cao hai tuổi. Có lần, nhân chuyến về công tác Nam Định, tôi được ông rủ về thăm huyện Lý Nhân. Trước khi về làng ông, chúng tôi ghé qua Đại Hoàng. Ấn tượng đậm nét trong tôi sau gần nửa thế kỷ là cảnh vật hai làng giống hệt nhau, điển hình cho nông thôn đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Đường đời của hai ông cũng gần giống nhau. Một theo nghề văn, một gắn bó với nghiệp báo, tuy điểm khởi đầu khác biệt. Nam Cao cầm bút sớm, nổi tiếng sớm, trong khi Hoàng Tùng bước vào đời là dấn thân với cách mạng. Ông may mắn hơn Nam Cao. Nhà văn xuất sắc hy sinh trên đường đi công tác khi mới 36 tuổi, trong khi Hoàng Tùng bị đày lên nhà tù Sơn La ở tuổi 23, vậy mà vẫn sống khỏe mạnh, năng nổ cuộc đời xuyên hai thế kỷ. Ông chỉ rời cây bút mấy năm gần đây, khi không còn đủ sức tự mình đi lại.
Hoàng Tùng vỡ vạc nghề báo tại nhà tù Sơn La. Chàng thanh niên cùng các bậc đàn anh Trần Huy Liệu, Xuân Thủy… làm Báo Suối reo (1941). Làm cho vui, làm để ngắn bớt thời gian chờ đợi. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông nhận nhiều trọng trách: Bí thư Thành ủy Hà Nội (1945), Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1946), Xứ ủy viên Bắc Bộ, Phó trưởng ban Đảng vụ Trung ương, Phó trưởng ban Thi đua Trung ương (1949), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Báo Sự thật (1950), Tổng biên tập Báo Nhân Dân (1951)…
Hoàng Tùng sớm học được ở Bác Hồ một điểm, là bất cứ làm công tác gì, giữ nhiệm vụ nào, cũng coi viết báo là một nhiệm vụ, tờ báo là một phương tiện nữa để thực thi trọng trách của mình. Ở Hà Nội, ông viết Báo Kiến thiết (1945). Về Hải Phòng, ông thường xuyên có bài cho Báo Dân chủ (1946). Lên chiến khu 3, ông cộng tác với Báo Chiến đấu (1947). Ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp khi được Trung ương phân công đứng tên, công khai phụ trách tờ Sự thật (1950). Trách nhiệm ấy đưa ông trở thành Tổng biên tập đầu tiên của Báo Nhân Dân vào năm sau (1951), khi Báo Nhân Dân đĩnh đạc xuất hiện giữa làng báo Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc. Hoàng Tùng làm tổng biên tập báo ấy mãi cho đến lúc không thể không rời gốc đa Hàng Trống mà ông gắn bó suốt 31 năm. Ông phải làm nhiệm vụ quán xuyến hơn là phụ trách công tác tư tưởng, trong đó đương nhiên bao gồm báo chí - nói cách khác ông không rời cái nghiệp tân văn.
Thời gian từ 1951 cho đến khi Bác Hồ đi xa (1969), Hoàng Tùng được Bác kèm cặp nhiều nhất. Hầu như không ngày nào Bác không đọc báo Đảng, và tôi tin có lẽ không ngày nào Bác không có ý kiến nhận xét, khen chê. Ở cương vị chúng tôi hồi ấy, khó biết hết mọi sự, chỉ xin kể lại đây điều mắt thấy tai nghe làm chứng cứ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nửa cuối những năm 50, nhà văn Nguyễn Văn Bổng có thời gian làm Trưởng ban Nông thôn của báo. Một sáng chủ nhật, còn rất sớm, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước gọi đến, anh Bổng thưa máy. Đầu dây bên kia, có tiếng hỏi tìm gặp đồng chí Hoàng Tùng. Nhận ra giọng Bác Hồ, Nguyễn Văn Bổng vội thưa với Bác đồng chí Hoàng Tùng đi vắng. Bác lại hỏi Quang Đạm (nhà báo Quang Đạm thời ấy là Ủy viên Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn). Nhưng Quang Đạm chưa đến cơ quan. Bác dặn Nguyễn Văn Bổng (đại ý):
- Chú lấy giấy bút ra ghi ý kiến của Bác, rồi nói lại với chú Tùng và chú Đạm…
Những ý kiến ấy, Nguyễn Văn Bổng không bao giờ quên, vì Bác phê bình đúng cái tin chính anh vừa duyệt cho đăng tối hôm qua.
Đầu năm 1981, tôi vừa ở miền Nam ra, được Ban Biên tập báo giao cho việc chỉ đạo xây dựng gấp Phòng truyền thống, trưng bày hiện vật ngay tại tầng trệt vốn là cái mái che căn hầm ngầm tránh bom B.52 do công binh xây cho ngay giữa sân, bên cạnh gốc đa cổ thụ. Phải làm cho kịp để kỷ niệm 30 năm Ngày báo ra số đầu (11-3-1951/11-3-1981).
Mọi việc đã nhờ các bạn ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam lo liệu giúp. Tuy nhiên, hiện vật trưng bày, cơ quan chủ quản phải chạy là chính. Lấy đâu ra tư liệu? Tôi trình với tổng biên tập, xin phép được in mấy dòng đại thể kiểu "Rao vặt" lên cuối trang 4, thông báo anh chị em có thời gian công tác ở báo, nay dù chuyển đi nơi khác hoặc đã nghỉ hưu, ai còn giữ hiện vật, tranh ảnh liên quan đến 30 năm hoạt động của cơ quan, xin vui lòng gửi ngay cho. Anh Hoàng Tùng nói:
- Vậy anh lại không nhớ lời Bác Hồ dạy? Bác chẳng bảo: "Tờ báo Trung ương giao các chú, các cô làm. Nhưng Báo Nhân Dân là cơ quan của Trung ương, của toàn Đảng, không phải của riêng các chú, muốn làm thế nào cũng được". Việc xây dựng Phòng truyền thống là việc nội bộ cơ quan, làm sao anh bảo tôi dám cho phép anh đưa lên mặt báo?
Về người thầy Trường Chinh, chính Hoàng Tùng từng viết nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-1995: "Trường Chinh coi việc bồi dưỡng cán bộ làm báo là một việc quan trọng, và rất say mê với công việc này, dù nhiều lúc rất bận rộn… Trường Chinh luôn luôn muốn làm cho những người giúp việc gần gũi của mình trở thành những người viết báo.
Những người phụ trách Báo Nhân Dân, Đài phát thanh, Thông tấn xã, Tạp chí Lý luận trong mấy chục năm đều được đồng chí Trường Chinh dạy bảo, uốn nắn cả về nghề nghiệp, phong cách, tuy vẫn khuyến khích mỗi người có một phong cách riêng" (Hoàng Tùng, Những bài báo chính luận, NXB Chính trị Quốc gia, 2001, trang 401, 402). Hoàng Tùng nhìn thấy ở Trường Chinh "một nhân vật anh hùng, một con người cao thượng" (sách đã dẫn, trang 408). Tại một bài khác, ông quả quyết: "Sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Lê Duẩn là hai đồng chí Tổng bí thư lãnh đạo nhân dân ta trong hơn bốn mươi lăm năm, có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ta" (sách đã dẫn, trang 413).
Những điều Hoàng Tùng học tập được ở Bác Hồ, ở đồng chí Trường Chinh và các lãnh tụ khác của Đảng, ông mang ra dạy bảo, kèm cặp chúng tôi. Chỉ nói riêng ở Báo Nhân Dân, đã có mấy thế hệ học trò ông. Lớp đầu nay tuổi bảy, tám mươi, lớp trẻ nhất cũng đã bước tới cái mốc tri thiên mệnh. Không ít người trong số đó thành đạt trong nghề.
Hoàng Tùng là một cây bút chính luận xuất sắc của làng báo Việt Nam. Cùng thế hệ với ông, có thể kể ra không nhiều tên tuổi, trong đó nổi lên Trần Quang Huy, Hồng Chương, Đào Duy Tùng và mươi người khác. Nhiều vị lại thiên về nghiên cứu, lý luận hơn, trong khi Hoàng Tùng luôn luôn là cây bút viết báo hằng ngày - trừ thời gian cuối đời công tác, chuyển sang làm việc ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, ông có điều kiện viết những bài dung lượng dài hơn.
Ông làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân liên tục hơn ba thập niên, song theo tôi được biết, bút danh Hoàng Tùng chỉ xuất hiện trên mặt báo ấy đâu có dăm, bảy lần là cùng, chủ yếu bởi lý do đối ngoại, hoặc là khi viết về những nhà lãnh đạo mà ông hết lòng kính trọng. Xã luận là thế mạnh của ông, cuối bài viết lúc nào đương nhiên cũng chỉ có hai chữ "Nhân Dân", có gì khác bài của cánh lính mới chúng tôi? Các bút danh khác đặt cuối những thiên luận chiến, phân tích thời cuộc dài hơn lại ký những bút danh rất chung, rất tập thể: Người bình luận, Người quan sát, Chính nghĩa, Chiến hữu… Ông đã viết hàng trăm bài xã luận, bình luận. Văn chính luận của ông đăng trên báo thường ngắn gọn, hàm súc, có sức thuyết phục người đọc bằng lập luận vững vàng, ngôn từ sắc nét, lại đậm phong cách dân gian.
Chủ đề các bài viết của ông phần nhiều thuộc "quốc gia đại sự": Cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chiến lược và sách lược chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà, cải tạo kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng Cộng sản và lịch sử cách mạng Việt Nam, tính chất thời đại, tình đoàn kết quốc tế dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh...
Mỗi lần cách mạng có bước ngoặt, hoặc đơn giản hơn, thời cuộc vừa diễn ra một sự kiện quan trọng, hay là lãnh đạo vừa quyết định một chủ trương công tác mới, thế nào báo Đảng cũng phải có ngôn luận. Nhiều bài do các ban chịu trách nhiệm, song những bài quan trọng nhất thì không thể ai khác ngoài tổng biên tập. Chúng tôi ở tòa soạn quen cái cảnh: Suốt ngày không nhìn thấy mặt tổng biên tập ở cơ quan, tan giờ chiều thấy xe ông lừng lững từ cổng vào, và ông đi thẳng lên gác, đóng cửa phòng làm việc mải miết. Lúc này có việc khẩn cũng chớ nên dại gõ cửa phòng ông, sẽ gặp luôn sự lạnh nhạt thậm chí cáu gắt của ông. Cần lắm thì chờ đến khuya, khi mọi bài vở đã đi nhà in. Những lần như vậy, cầm chắc là ông vừa tham dự xong một hội nghị cơ mật, và báo Đảng phải là kênh thông tin nhanh nhất, chuyển tải sớm nhất thông điệp của lãnh đạo Trung ương đến toàn thể nhân dân và bạn bè quốc tế; không ít trường hợp nhằm nhắn gửi một tín hiệu nào đó đến đối phương. Chính vì vậy, sau những sự kiện quan trọng như các kỳ họp của Trung ương; một số cuộc họp của Bộ Chính trị, mọi người chờ đọc chính luận trên Báo Nhân Dân.
Thế mạnh của Hoàng Tùng là nắm chắc vấn đề đã đành. Ông có tài thể hiện rất nhanh ý đồ của tập thể lãnh đạo. Vì vậy, một sức ép thường xuyên hiện hữu: Phần lớn các cuộc họp kết thúc muộn vào cuối ngày, mà nội nhật sáng mai báo nhất thiết phải có bài. Sức ép ấy cũng là một thử thách và rèn luyện tài năng. Thời kháng chiến làm gì có máy vi tính như ngày nay, vèo một cái là xong văn bản. Mọi việc làm thủ công, mà báo có số lượng phát hành lớn như Nhân Dân, nhất thiết phải đổ khuôn chữ bằng hợp kim chì, mới có thể cho chạy đồng thời vài ba máy, xuất xưởng một lúc mấy chục vạn bản. Trong điều kiện ấy, nếu tòa soạn rề rà, đưa bài sang xưởng chữ sau mười một giờ đêm, cầm chắc báo ngày mai khó ra khỏi xưởng in trước năm giờ sáng, nói cách khác, sẽ nhỡ bao nhiêu chuyến tàu và xe đò về các địa phương, báo những nơi ấy sẽ chậm mất một ngày.
Một số bài ông viết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, về Đảng, về Bác Hồ… có thể xếp vào loại gọi là "kim cổ hùng văn". Hùng hồn mà không sáo rỗng nhờ lập luận chặt chẽ, cứ liệu không ai phản bác nổi. Tính cổ động và sức tập hợp cao, không ngờ văn chính luận những tưởng khô khan, hóa ra vẫn có khả năng đi thẳng vào lòng người. Ngôn luận của báo Đảng có sứ mệnh thông tin, thuyết phục công chúng đã đành, đôi khi nó đồng thời có thể là lời cảnh cáo những ai đó có toan tính ngược vòng quay lịch sử, viết không "kín nhẽ" sao xuôi.
Một mảng chủ đề quan trọng của Hoàng Tùng là chân dung các nhân vật lịch sử đương đại có công đầu với nước, với dân. Sau khi thôi công việc báo hằng ngày, ông có điều kiện đi sâu vào lịch sử, mặt khác các bài ông thể hiện cũng không phải quá gò bó về khuôn khổ số từ như khi viết báo hằng ngày. Riêng một tập Tuyển khoảng 120 bài báo chính luận của ông, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cách đây mươi năm, đã có đến 12 bài viết về Bác Hồ, cùng cả chục bài khác viết về các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Phạm Hồng Thái, Tô Hiệu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt…
Ngày nay đọc lại bài xã luận ông viết ngày 6-9-1969, ngày "người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa", cả nước tiễn đưa Bác Hồ, thật khó cầm được nước mắt mà trong người như sống lại niềm rạo rực muốn được làm nên một việc gì đó vì nghĩa lớn. Đến ngày 19-5-1975, kỷ niệm sinh nhật của Bác vào lúc cả nước ngập tràn niềm vui thắng lợi trọn vẹn, "ước mong của Bác Hồ kính yêu đã thành hiện thực", mà vắng mặt Bác Hồ, bài xã luận sau khi bày tỏ lòng biết ơn Bác, nhắc nhở: "Trong giai đoạn mới này, Đảng và nhân dân ta phải thực hiện những nhiệm vụ mới, giải quyết những vấn đề mới cũng khó khăn không kém và thậm chí có chỗ còn phức tạp hơn những nhiệm vụ của các giai đoạn đã qua".
Hoàng Tùng sắc bén về chính luận, một phần nhờ tôi luyện trong thực tiễn, nhưng quan trọng là được Bác Hồ thường xuyên dìu dắt, kèm cặp.
Tôi biết tin dữ khi đang đi công tác xa, đôi dòng này là nén tâm hương gửi tới chia buồn cùng gia quyến và vĩnh biệt anh – người thầy, người đồng nghiệp mà tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng.
Phan Quang