Qua nghiên cứu về năng lượng nông thôn, Phó giáo sư - Tiến sĩ Trương Mạnh Tiến, Giám đốc Dự án Đói nghèo và Môi trường cho biết: Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo để đem lại lợi ích cho người nghèo. Những nguồn năng lượng tái tạo rất phong phú như năng lượng nước, năng lượng mặt trời, khí sinh học, năng lượng gió... được thực hiện ở các vùng nông thôn đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn nói chung và người nghèo nói riêng.


Hiện nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân nông thôn đã phong phú hơn, như: dùng điện để chiếu sáng, nấu ăn, chạy các thiết bị giải trí (tivi, đài phát thanh, VCD)... Ngoài ra, người dân nông thôn còn cần đến các nguồn năng lượng tái tạo này để phơi sấy nông sản, bơm nước tưới tiêu và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khác. Các nguồn năng lượng tái tạo này rất thân thiện với môi trường, giúp người dân nông thôn tận dụng được những năng lượng sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để biến thành năng lượng phục vụ mình, góp phần phát triển bền vững và đảm bảo một nền nông nghiệp sạch.

Trạm phát điện ở đảo Bạch Long Vĩ




Nguồn năng lượng thủy điện ở Việt Nam rất dồi dào, tập trung chủ yếu ở các vùng phía Bắc và miền Trung gần biên giới Lào, Trung Quốc. Tổng công suất điện năng có thể khai thác từ thủy điện lên đến 80 tỷ kWh/năm. Hiện có 3 phương án cho việc sử dụng thủy điện gồm các hệ thống thủy điện siêu nhỏ quy mô gia đình; nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ phục vụ cho cộng đồng địa phương ở xa hệ thống lưới điện quốc gia; các nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ để đấu nối vào lưới điện quốc gia. Các hệ thống thủy điện siêu nhỏ quy mô gia đình có thể sử dụng cho các gia đình riêng lẻ sống ở khu vực hẻo lánh, xa xôi chưa thể kết nối với lưới điện địa phương. Đối với các cộng đồng địa phương ở vùng sâu nằm xa lưới điện quốc gia, giải pháp sử dụng nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ ngoài lưới điện là một giải pháp hợp lý. Trong các vùng nông thôn đã được hòa lưới điện quốc gia, các nhà máy thủy điện nhỏ và cực nhỏ có thể xây dựng và hòa vào lưới điện hiện có như là nguồn điện bổ sung cho điện lưới quốc gia.


Với hơn 3.000 km bờ biển và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, 70% là vùng đồi núi, Việt Nam có nguồn năng lượng gió rất lớn. Các nhà khoa học ước tính năng lượng gió có thể sản xuất được công suất điện năng hàng năm tại các hải đảo từ 1.700 đến 4.500 kWh/m2, ở đất liền từ 400 đến 1.000 kWh/m2 và ở vùng miền núi từ 2.000 đến 3.000 kWh/m2. Năng lượng gió được sử dụng để sản xuất điện và dẫn điện hoạt động hệ thống bơm nước, đặc biệt tại các địa điểm làm muối dọc bờ biển. Tương tự như thủy điện, điện gió cũng có 3 giải pháp cho việc sử dụng máy phát điện gió quy mô gia đình, các trạm phát điện gió quy mô cộng đồng và các trạm phát điện gió hòa chung vào lưới điện quốc gia.


Tiềm năng cho việc sử dụng năng lượng mặt trời rất lớn ở miền Trung và miền Nam nước ta, với cường độ bức xạ nhiệt ổn định quanh năm nên người dân nông thôn có thể tận dụng nguồn năng lượng này phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày ở hầu hết các tỉnh. Hiện nay, Việt Nam đã lắp đặt được hàng nghìn hệ thống pin mặt trời. Hệ thống pin mặt trời có công suất vài trăm oát được lắp đặt rất phù hợp với các gia đình nghèo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện dùng trong sinh hoạt hàng ngày./.


TTXVN-Phương Anh