Nhận lời mời của ngài Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 (APPF-27), đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ tham dự APPF-27 tại Siem Reap, Campuchia từ ngày 14 đến ngày 17-1.
APPF được thành lập từ năm 1993, bao gồm 27 nước thành viên thuộc 4 tiểu khu vực (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Mỹ). APPF là diễn đàn của các nghị sĩ trong khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, là nơi đối thoại các vấn đề về an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa. Mục tiêu của diễn đàn là hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), góp phần giải quyết những vấn đề của khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng ở khu vực cũng như toàn cầu.
Hội nghị thường niên APPF được tổ chức mỗi năm một lần. Qua 26 kỳ hội nghị thường niên, APPF ngày càng khẳng định được vai trò và tầm ảnh hưởng ở khu vực.
Từ khi gia nhập APPF vào năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, để lại dấu ấn ngày càng đậm nét trong APPF. Các đại biểu Việt Nam tham dự các kỳ hội nghị APPF đều tham gia tiếp xúc, trao đổi, đối thoại rất tích cực với nghị sĩ các nước về các vấn đề chung của khu vực và thế giới; đóng góp nhiều sáng kiến có giá trị và được ghi nhận. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công APPF-13 tại Hạ Long (Quảng Ninh) vào tháng 1-2005 và APPF-26 tại Hà Nội vào tháng 1-2018. APPF-26 trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử 25 năm hoạt động của APPF với Tuyên bố Hà Nội mở ra tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030. Ngoài ra, APPF-26 còn ghi dấu ấn nổi bật với việc lần đầu tiên Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF trở thành cơ chế chính thức tại các kỳ họp thường niên của diễn đàn.
APPF-27 có chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”. Tại đây, các nghị sĩ trong khu vực sẽ tập trung đối thoại về các vấn đề: Xây dựng lòng tin nhằm củng cố hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy hợp tác nghị viện để tăng cường sử dụng có trách nhiệm không gian mạng vì tiến bộ xã hội; tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, xây dựng thể chế vững mạnh thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bao trùm; mở rộng tiếp cận tài chính và đào tạo nghề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua thương mại điện tử; ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai; thúc đẩy du lịch và đa dạng văn hóa; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ…
CHIẾN THẮNG