(Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26)
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050
Trong phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Kết thúc bài phát biểu tại sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.
Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 3,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19
Cùng ngày, trong dịp dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển tích cực và hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại và phòng, chống dịch Covid-19. Nhân dịp này, Thủ tướng Morrison khẳng định Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 3,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26. Ảnh: TTXVN
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam coi trọng quan hệ với Australia, đề nghị Australia mở cửa thị trường, tăng cường nhập khẩu nông sản và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Australia cam kết sẽ cùng Chính phủ Việt Nam triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ và hợp tác theo hướng bền vững, mong muốn hợp tác trong ứng dụng năng lượng xanh, sạch và mời Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng năng lượng xanh Australia đăng cai năm 2022.
Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, duy trì tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Australia sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng Morrison cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-EU
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu, mang tính chiến lược của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam- EU. Sau hơn một năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thương mại hai chiều trong 9 tháng năm 2021 đã đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 15% bất chấp các khó khăn của đại dịch Covid-19. Để tranh thủ tối đa EVFTA, Thủ tướng đề nghị EU tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là nông sản, thủy sản, tranh thủ hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, EU có thế mạnh; đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), sớm đưa vào thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên. Chủ tịch EC chia sẻ và ủng hộ các đề xuất của Thủ tướng, nhất là trong việc triển khai phục hồi kinh tế.
Về vấn đề IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), Thủ tướng thông báo đã chỉ đạo các địa phương triển khai các quy định chống khai thác IUU, các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp; đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ thẻ vàng và hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung cho thị trường EU không bị gián đoạn. Chủ tịch EC vui mừng trước thông tin này và cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan EU xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc dỡ bỏ thẻ vàng.
Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác
Tối 1-11 (giờ Vương quốc Anh), trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế.
Trong cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Tổng thống Biden tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước châu Á; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn phát triển quan hệ ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định.
Tổng thống Biden đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng "0", quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu, nhất là thực hiện đầy đủ các cơ chế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh sự tham gia của các công ty Hoa Kỳ vào các lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.
* Trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn hai nước làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác trong tất cả lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư đến giao lưu nhân dân, văn hóa... Thủ tướng cảm ơn Hàn Quốc đã dành sự hỗ trợ quý giá về vaccine, thiết bị y tế chống dịch Covid-19, giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; cảm ơn Việt Nam ủng hộ tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội năm 2019. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa và Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào tiến trình này.
Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ qua tất cả kênh, trên tất cả phương diện, trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã vui vẻ nhận lời.
* Hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan lên mốc 25 tỷ USD mỗi năm theo hướng cân bằng, bền vững hơn; đề nghị Thái Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi bán lẻ của Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có tăng cường đầu tư vào Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Về hợp tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về vaccine và thiết lập hành lang đi lại an toàn giữa hai nước. Hai bên cũng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên khác của ASEAN xây dựng cộng đồng cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ và sẽ phối hợp chặt chẽ bảo đảm thành công Năm APEC 2022 tại Thái Lan.
* Tại cuộc tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Carlos Manuel Rodriguez, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị quỹ tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực chính, gồm bảo đảm an ninh lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải nhựa đại dương; gìn giữ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái; thực hiện các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
* Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng, đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ), mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với LHQ.
Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ và thực hiện có trách nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong 2 năm 2020-2021. Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo.
* Tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Axel Van Trotsenburg, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận WB là người bạn và đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam, cảm ơn WB đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, nhất là đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD và ủng hộ Việt Nam hoãn nợ để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam.
Tổng Giám đốc điều hành WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô; tiếp cận các nguồn tài chính bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-WB, trước mắt rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 3 năm 2022-2025 nhằm xác định rõ nguồn lực, lĩnh vực, dự án ưu tiên và lộ trình triển khai.
* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng CH Séc Andrej Babis, tiếp xúc Tổng thống CH Armenia Armen Sarkisian, trao đổi với Thị trưởng Los Angeles (Mỹ) Eric Garcetti, Chủ tịch các thành phố lớn trên thế giới (C40) và một số Thống đốc bang, thị trưởng các thành phố tại khu vực châu Mỹ.
* Cũng trong tối 1-11 (giờ địa phương), trong khuôn khổ tham dự chiêu đãi chính thức Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP26 của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Séc Andrej Babis, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic. Trong trao đổi, lãnh đạo các nước đặc biệt đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, trong đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc giảm phát thải ròng bằng “0”, đóng góp có ý nghĩa vào nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay cũng như theo đuổi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của Trái đất ở mức dưới 1,5 độ C. Việt Nam là một ví dụ tốt cho cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Lãnh đạo các nước cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mê Công giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững; bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam rất có tiềm năng thông qua việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động tài chính khí hậu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Về Covid-19, Thủ tướng và lãnh đạo các nước rất quan tâm, chia sẻ với Việt Nam, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam về vaccine, trang thiết bị y tế trong thời gian tới.
ĐOÀN CA và TTXVN