Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Pankaj Jha của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal (Ấn Độ) cho rằng, một trong những điểm nhấn của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 là thúc đẩy nỗ lực tập thể trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. “Việc nêu rõ sự cần thiết phải hợp tác với các nước đối tác đối thoại của ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan liên quan đã làm nổi bật năng lực của Việt Nam trong việc nắm bắt các vấn đề liên quan tới đại dịch, cũng như trong việc đem lại sự đồng thuận về những vấn đề này”, Giáo sư Pankaj Jha nhấn mạnh.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 hồi tháng 6-2020. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Theo vị chuyên gia Ấn Độ, ngay từ đầu Năm ASEAN 2020, tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) do Việt Nam chủ trì, các vấn đề ổn định, thịnh vượng và ứng phó với các thách thức đang nổi lên đã được đưa ra bàn thảo “không thiên vị”. Tại các hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN sau đó, những vấn đề này lại tiếp tục được thảo luận. Giáo sư Pankaj Jha cho rằng tổ chức các hội nghị ASEAN theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch, qua đó tăng cường sự hiểu biết giữa các nước thành viên là một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Tuy nhiên, Việt Nam “đã xử lý khéo léo vấn đề của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”. “Phải thừa nhận rằng bất chấp những hạn chế của họp trực tuyến, Việt Nam vẫn có thể nhận được sự đồng thuận để thông qua 42 văn kiện tại AMM-53 hồi tháng 9 vừa qua. Một điểm đáng chú ý tại AMM-53 là đem tới thêm nhiều hoạt động cho Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) bằng việc thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội II của ARF”, Giáo sư Pankaj Jha nhận xét.
Đánh giá Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN kể từ khi gia nhập vào năm 1995, trang mạng The ASEAN Post vừa qua khẳng định Việt Nam “đã đạt những bước tiến lớn” trong thể hiện vai trò của mình tại hiệp hội, nhất là việc chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị. Trong một bình luận mới đây trên tờ The South China Morning Post, ông Pou Southirak, Giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình của Campuchia lại nhấn mạnh với việc Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ASEAN có thể chắc chắn rằng: “Đông Nam Á không phải là "sân sau" của bất kỳ ai và không cường quốc bên ngoài nào được phép áp đặt bất kỳ chính sách hay sáng kiến nào làm phương hại lợi ích chung của khu vực”.
Về phần mình, Tiến sĩ Vijay Sakhuja thuộc Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga (Ấn Độ) đánh giá Việt Nam đã tạo động lực cho ASEAN trên cương vị Chủ tịch luân phiên của hiệp hội trong năm nay. Theo Tiến sĩ Vijay Sakhuja, Việt Nam đã thực hiện đúng trọng trách của mình bất chấp nghịch cảnh do dịch bệnh và tình hình khu vực diễn biến khó lường. Việt Nam đã dẫn dắt và tổ chức tất cả các sự kiện liên quan của ASEAN, trong đó có các hội nghị cấp cao (HNCC) nội bộ, HNCC giữa ASEAN với các đối tác cùng các hoạt động tương tự khác theo kế hoạch đề ra, “với rất ít sự kiện phải hoãn hoặc hủy do dịch Covid-19”. Đa phần các hoạt động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, là “minh chứng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà không cần gặp mặt trực tiếp”. “Trong nội khối ASEAN, một loạt hoạt động, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng đến an ninh phi truyền thống, phát triển, đều được triển khai một cách khéo léo. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã ca ngợi sự chuẩn bị chu toàn, kỹ lưỡng của Việt Nam cũng như kết quả của AMM-53 với số lượng văn kiện lớn nhất được thông qua cho đến thời điểm hiện nay”, Tiến sĩ Vijay Sakhuja nhấn mạnh trong bài viết đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 hồi tháng 6-2020. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công (CPPR) của Ấn Độ đánh giá, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã làm nổi bật hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó phải kể đến việc phát huy sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy kết nối khu vực, tăng cường cam kết giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong một bài viết đăng trên trang mạng của mình, CPPR cho rằng sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN được thể hiện qua Tuyên bố của Chủ tịch HNCC ASEAN 36 hồi tháng 6 vừa qua. Cùng với đó, giữa lúc đại dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng khu vực bộc lộ tính dễ bị tổn thương, Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 chính là thể hiện rõ “quyết tâm của ASEAN trong việc phối hợp chặt chẽ để xác định và giải quyết các gián đoạn thương mại, với sự phân nhánh về dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, dược phẩm và các vật tư thiết yếu khác trong khu vực". Theo CPPR, đây là một phần trong các nỗ lực phối hợp của ASEAN nhằm không chỉ ngăn chặn và giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đối với khu vực mà còn tăng cường và làm cho các chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt, ít bị tổn thương hơn trước các thách thức tương tự trong tương lai...
“Từ khi đảm nhiệm hai cương vị quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến giữa bối cảnh đầy thách thức do đại dịch toàn cầu Covid-19 và thực hiện đúng những trọng trách được giao phó. Việt Nam đã tập trung đầu tư nguồn lực ngoại giao to lớn để đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như thế giới”, bài viết khẳng định.
HOÀNG VŨ