Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước thời gian qua là vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Các đại biểu đều thống nhất đánh giá, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó có sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, sự chủ động tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí. Nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của nhiều tập thể và cá nhân cần được trân trọng, vinh danh… Việc nhất quán quan điểm “chống dịch như chống giặc”, nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, đề cao truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc đã đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế-xã hội. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cùng với việc thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò, khẳng định vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế...

Tuy vậy, đối với kinh tế-xã hội, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nông-lâm-thủy sản gặp khó khăn; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi, giáo dục-đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản… cũng chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 giảm sâu...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kết quả kinh tế-xã hội năm 2019 thắng lợi toàn diện đã làm tiền đề rất tốt cho năm 2020. Do đó, dù nửa đầu năm nay chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 song nước ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển. “Tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82%”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều yếu tố chưa thể lường định được hết, lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thu ngân sách sẽ giảm, thậm chí còn có thể hụt thu 100.000 tỷ đồng theo các phương án. Bội chi năm 2018 theo quyết toán thấp, chỉ 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5%; nhưng năm nay, bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện. Trong đó có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm mà phải sử dụng nguồn tăng thu năm 2019 và cả nguồn dự toán của năm nay, dùng cả ngân sách Trung ương và địa phương…

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nêu lại con số: Tính cả 2 ca bệnh mới nhất được công bố vào sáng nay (8-6) thì Việt Nam mới có 331 bệnh nhân; quan trọng hơn là đã hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng...

Nguyên nhân của thành công này, theo Chủ tịch Quốc hội, là trong phòng, chống dịch, Việt Nam có sự đồng thuận rất lớn của nhân dân, bạn bè quốc tế cũng đánh giá rất cao, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả...

Cũng bày tỏ phấn khởi khi nhắc đến thành tựu từ cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh: Điều này thể hiện sự quản lý của nhà nước, tinh thần đoàn kết cao, thể hiện sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng từ cơ sở. Rất nhiều tấm gương "ăn núi, ngủ rừng" của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, bác sĩ, tấm lòng của các nhà hảo tâm - điều này thể hiện tính đoàn kết, tinh thần dân tộc, tạo sự ngưỡng mộ đối với thế giới...

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực thì cũng có những mặt tích cực cần được phát huy. Đó là cơ hội chuyển đổi kinh tế số, nhờ Covid mà văn hóa sử dụng kinh tế số bắt đầu thâm nhập vào đời sống của người dân, thậm chí mua phở cũng được đặt qua ứng dụng trên điện thoại. Do vậy, cần “chớp thời cơ” và phát huy điều này trong thời gian tới...

PHƯƠNG HẰNG