Cơ hội để doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau Covid-19

Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạo, khó lường, EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Giải trình thêm về tác động của EVFTA đối với kinh tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn, giúp doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Cụ thể, theo đánh giá của Chính phủ, hiệp định này sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,18-32,5% trong 5 năm đầu thực thi; 4,57-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó. Những cam kết mở cửa thị trường của EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng thêm gần 43% vào 2025; 44,4% vào 2030; tập trung vào nông sản (gạo, đường, thịt heo, lâm sản...); chế biến, chế tạo (dệt may, da giày); dịch vụ (hàng không, tài chính, bảo hiểm).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có thể là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam.

Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Hiệp định này cũng dự kiến làm giảm thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, nhưng thu từ nội địa lại tăng khoảng 7.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2030...

Tự tạo những “tấm vé” tham gia vào sân chơi EVFTA

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, cùng với Hiệp định CPTPP, EVFTA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế. Việc Việt Nam ký và phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU....

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lý để bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ hiệp định...

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Nêu ra hàng loạt những thuận lợi đối với hàng hóa nước ta khi EVFTA được thực thi, song đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần xác định ngay những sản phẩm thế mạnh nào có khả năng tham gia vào thị trường EU, từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng của hàng hóa và những việc cần làm để đạt được những tiêu chuẩn đó; những lĩnh vực các doanh nghiệp cần đầu tư... Đại biểu hy vọng, chúng ta hành động sớm và đồng bộ để các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam có đủ năng lực để tự tạo cho mình những “tấm vé” tham gia vào sân chơi EVFTA khi được thông qua.  

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì ví von, EVFTA như một “con đường cao tốc” hội nhập với EU, giúp hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của kinh tế tái khởi động sau đại dịch.

Tuy nhiên, để nền kinh tế vận hành trơn tru trên con đường này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần cải cách chính sách, thể chế để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Ngoài ra, cần ban hành ngay các chương trình để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình thúc đẩy nâng cao khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp, để có thể “yểm trợ” cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác, cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó, cần có dự kiến xa hơn về chiến lược lớn tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch lao động, dân cư để ứng phó với những thay đổi không mong muốn từ EVFTA, cũng như từ quá trình hội nhập.... 

PHƯƠNG HẰNG