Đã thành qui luật, sau dịp Tết hằng năm, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) lại khốn đốn vì tình trạng thiếu lao động. Những năm trước, nguyên nhân của tình trạng này là do mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn nhiều vướng mắc, bất cập. Sau khi áp dụng Nghị định 168/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Lao động (sửa đổi), những bất cập, vướng mắc ấy đã cơ bản được tháo gỡ. Nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn thiếu lao động sau Tết?
Doanh nghiệp “khát” lao động
 |
Sau Tết nhiều doanh nghiệp thiếu lao động. Ảnh: Internet |
Đến ngày mùng 9 Tết (15-2), hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN, KCX các tỉnh, thành phố phía Nam đều đã hoạt động trở lại, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp còn kéo dài thời gian nghỉ Tết đến mùng 10 hoặc 12 âm lịch. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lao động đã và đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh “
ăn đong”.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu hơn 20.000 công nhân. So cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ công nhân không (hoặc chưa) trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau Tết có giảm, song nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lao động. Điển hình như: KCN Nhơn Trạch (thiếu gần 5.000 lao động), KCN Long Thành (thiếu hơn 1.000 lao động), KCN Trảng Bom (thiếu hơn 2.000 lao động), Công ty Pouchen (thiếu hơn 2.000 lao động), Công ty Chang Shin (thiếu hơn 2.000 lao động), tập đoàn Phong Thái (thiếu hơn 1.000 lao động)..v.v. Tại các KCN, KCX trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đến nay vẫn còn hơn 30% người lao động chưa trở lại làm việc. Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có khả quan hơn, nhưng tỷ lệ thiếu lao động tại các doanh nghiệp vào khoảng 15-20%. Công ty Thương mại May Sài Gòn là doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết lâu nhất, đến 12 tháng Giêng âm lịch mới bắt đầu làm việc trở lại. Phần lớn người lao động vắng mặt đều ở các tỉnh xa từ miền Bắc, miền Trung và miền Tây Nam Bộ… Nguyên nhân của tình trạng này một phần do tình hình tàu, xe ngày Tết quá khó khăn nên không ít công nhân có tư tưởng “nghỉ rốn”. Bên cạnh đó, sự phát triển các KCN ở các địa phương phía Bắc và miền Trung đã thu hút một số lượng lớn công nhân về làm việc gần nhà. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, cái chính vẫn là sự đãi ngộ của doanh nghiệp đối với công nhân. Chị Nguyễn Thị Loan, quê ở Hải Hậu (Nam Định), công nhân Công ty Pouchen (Đồng Nai) cho biết: “Sau Tết là mùa tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Cứ chỗ nào có đời sống tốt hơn là tụi em nộp hồ sơ. Nhiều người không về quê đón Tết nhưng vẫn nghỉ làm việc để tìm nơi làm mới”.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết: Sau khi triển khai thực hiện Nghị định 168/2007/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu và Luật Lao động (sửa đổi), đời sống công nhân và mối quan hệ lao động đã được cải thiện rõ rệt. Hiện tượng thiếu lao động sau Tết phần lớn đều rơi vào những doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với người lao động.
Tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu lao động diễn ra chủ yếu tại các doanh nghiệp ngành dệt may. Tình hình này khiến không ít doanh nghiệp phải tất tả tìm nguồn lao động. Theo ông Phan Tấn Học, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), hiện công ty này đang phải “cầu cứu” Sở LĐ-TB&XH tỉnh đăng ký tuyển gấp hơn 3000 lao động để đáp ứng tiến độ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty Saitex cho biết: Công ty này vẫn còn thiếu hơn 20% lao động, ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất, phải tuyển dụng gấp lao động bổ sung. Các doanh nghiệp thiếu lao động đều phải “ăn đong” như vậy. Đến các KCN, KCX tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong những ngày này, đi đâu chúng tôi cũng thấy những tấm biển, băng-rôn thông báo tuyển lao động gấp của các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng KCN Sóng Thần (Bình Dương) đã có hơn 10.000 việc làm đang chờ đón công nhân. Người lao động vì thế có quyền lựa chọn việc làm thích hợp cho mình. Sự khan hiếm lao động đầu năm cũng đã làm nảy sinh sự cạnh tranh, tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp.
Làm gì để không phải “ăn đong”?
Trong lúc nhiều doanh nghiệp phải “ăn đong” thì không ít doanh nghiệp lại mang một diện mạo khác. Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn nước ngoài, tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Sáng 14-2, 100% công nhân háo hức bước vào ngày làm việc đầu tiên. Có được kết quả đó là nhờ tổ chức công đoàn và lãnh đạo công ty rất quan tâm cải thiện đời sống người lao động. Trước khi nghỉ Tết, lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn đã phối hợp gặp gỡ công nhân, công bố việc điều chỉnh thang, bảng lương. Công nhân học nghề được hưởng mức lương tối thiểu 1 triệu đồng/tháng. Sau 3 tháng, tùy trình độ tay nghề sẽ được hưởng mức lương tối thiểu lên gần 1,2 triệu đồng/tháng, mỗi bậc lương cách nhau 7,5%. Nhiều doanh nghiệp khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng hoàn thiện thang, bảng lương theo hướng có lợi cho công nhân ngay trước Tết, giúp công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, hạn chế được các vụ tranh chấp lao động, hoặc ngừng việc tập thể. Điển hình như Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, thu nhập của người lao động sau khi điều chỉnh bảng lương đã đạt mức từ 2,4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Bên cạnh đó, việc chăm lo cho công nhân đón Tết cũng được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, giúp công nhân nâng cao ý thức gắn bó trách nhiệm với doanh nghiệp. Anh Đào Văn Việt, Chủ tịch công đoàn kiêm bộ phận nhân sự Công ty TNHH VPIC cho biết: Trước Tết, công ty đã lên danh sách những chị em công nhân có nhu cầu về quê, hợp đồng xe và giúp họ mua vé tàu đúng giá. Còn đối với những lao động không có điều kiện về quê, công ty đã phối hợp với Ban quản lý KCN Hố Nai 3, Liên đoàn lao động huyện Trảng Bom tổ chức nhiều hoạt động vui xuân bổ ích, đồng thời tặng quà và quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Do đó, ngay ngày mùng 5 Tết, người lao động đều đã trở lại làm việc ổn định.
Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, người lao động hiện nay có rất nhiều sự chọn lựa. Cách tốt nhất để giữ chân người lao động chính là sự quan tâm của doanh nghiệp đối với đời sống công nhân theo đúng tinh thần Nghị định 168/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Lao động (sửa đổi) để mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và công nhân được bảo đảm bằng những qui định pháp luật. Ngay sau Tết, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn yêu cầu tổ chức công đoàn các cấp phối hợp với doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Hiện tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện tốt vấn đề này vẫn còn thấp. Tỉnh Đồng Nai hiện có 6.751 doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay mới chỉ có 161 doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu...
THANH KIM TÙNG và BÍCH THUẬN